ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH LẤY Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

29/12/2022

Chiều 29/12 tại Tp.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH NGUYỄN PHÚ CƯỜNG TIẾP CHỦ NHIỆM ỦY BAN KẾ HOẠCH, TÀI CHÍNH VÀ KIỂM TOÁN CỦA QUỐC HỘI LÀO

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội Khoá XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, có hiệu lực thực thi từ ngày 1.7.2014. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, sau 8 năm, Luật Đấu thầu cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thi hành Luật. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu 

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây là dự luật được nhiều đại biểu quan tâm, tham gia ý kiến cụ thể. Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu 

Đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia đã tập trung thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: về vốn ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; mua sắm vật tư, thiết bị y tế; các quy định liên quan đến đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai; vấn đề chỉ định thầu… Các đại biểu cho rằng, một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp bách để bảo đảm thực thi đầy đủ và có hiệu quả cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường mua sắm công theo các Hiệp định quốc tế.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo 

Về đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu như lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật xã hội hoá; lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có từ 2 nhà đầu tư quan tâm…, theo các đại biểu cần cẩn trọng và xem xét trong từng lĩnh vực cụ thể.

Các đại biểu thống nhất về quan điểm chỉ đạo xây dựng luật; đồng thời, đề nghị bổ sung thêm việc khuyến khích sáng tạo nhưng không xa rời các nguyên tắc cơ bản của Luật Đấu thầu, giải pháp phải phù hợp với mục đích và mang lại kết quả cụ thể, rõ ràng, minh bạch cho lợi ích của Nhà nước, loại bỏ các yếu tố chủ quan hay thông đồng, câu kết, lợi ích nhóm trong hoạt động đấu thầu.

Luật Đấu thầu sửa đổi cần làm rõ nội dung nào là quy định cứng, những nội dung còn lại được hiểu là có thể bỏ qua hoặc đề xuất thay đổi, nếu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được mục tiêu mà cơ quan đó nêu ra trước khi đấu thầu.

Toàn cảnh Hội thảo 

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để khi Luật được ban hành có chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)