ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TIẾP THU, GIẢI TRÌNH, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

15/05/2023

Chiều 15/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TIẾP THU, GIẢI TRÌNH, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trưởng về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 129 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên để pháp luật tháng 3/2023, sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Đến nay, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (Giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó, bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh

Báo cáo tình hình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Tuấn Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được rà soát, hoàn thiện theo hướng: Chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thẩu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phi, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Đặc biệt, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyển, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý... để tăng cưởng quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định của Luật, góp phần hạn chế những hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã  bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư. Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án. Quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế…

Nội dung về mua thuốc, vật tư y tế được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị quy định trong Luật này để giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong lĩnh vực y tế. Theo đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, thiết bị y tế. Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn điều hành phiên họp

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật còn có những vấn đề còn ý kiến khác nhau như về việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước. Trước đó, dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã đề xuất chỉ áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp, đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, ếu quy định như dự thảo Chính phủ trình sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước dẫn tới các dự án đầu tư của công ty con của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước khác... sẽ không phải đấu thầu theo quy định của luật này. Do vậy, đề nghị quy định đối tượng áp dụng đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, dự thảo Luật trình Quốc hội quy định theo hướng áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ. Nhiều ý kiến phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, mặc dù trên thực tế có rất ít trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn theo cơ chế đặc biệt và cũng chưa phát sinh trường hợp đặc biệt nào có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh phải lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc biệt. Tuy nhiên, việc có quy định này trong Luật mang tính dự phòng là cần thiết bởi chưa thể lường trước được trong tương lai. Do vậy, cần có quy định về áp dụng cơ chế đặc biệt lựa chọn nhà đầu tư khi có yêu cầu đặc thù, cấp bách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý để có rà soát và nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến, thể hiện trong Báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật. Đồng thời sẽ tiếp tục gửi văn bản để xin ý kiến đầy đủ các thành viên Ủy ban để hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Luật bảo đảm trình Quốc hội với chất lượng tốt nhất.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu, khách mời tham dự phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang

Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Văn Cường 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng Trần Chí Cường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo làm rõ một số nội dung

​Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn kết luận nội dung phiên họp.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác