Tham gia phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2018 công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát tiển kinh tế - xã hội.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 33, thẩm tra báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018
Cụ thể, Chính phủ ban hành nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo quy định của Luật. Nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần duy trì đà chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Chính phủ đã ban hành chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Trong quản lý ngân sách nhà nước, chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 28,8%, chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức và mua sắm tài sản theo phương thức tập trung.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2018, ban hành nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT; chỉ đạo các cơ quan liên quan, nhà đầu tư có phương án xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018
Cùng với đó công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, biển, đảo, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; đã tập trung có trọng tâm, trọng điểm nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược.
Tuy nhiên kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn có những khó khăn, hạn chế. Bên cạnh những bộ ngành địa phương thực hiện tốt quy định của Luật, vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Luật như chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa triển khai thực hiện thông tư số 129/2017/TT-BCT của Bộ Tài chính về đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi thường xuyên.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng một số nội dung của báo cáo còn đánh giá chung chung, thiếu dẫn chứng, số liệu cần được bổ sung làm rõ.
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018 như một số dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội bố trí vốn nhưng triển khai chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư công. Việc tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách còn bất cập. Việc phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nươc, tiến độ cổ phần hóa còn chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm đề nghị báo cáo cần có thêm đánh giá về hiệu quả thực hiện một số chính sách trước thực trạng trục lợi chính sách người có công với cách mạng...
Ngoài ra công tác huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư của xã hội để xây dựng một số cơ sở vật chất trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng còn có biểu hiện chưa công khai, minh bạch, lãng phí nguồn lực xã hội, gây bức xúc trong dư luận.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị báo cáo cần có thêm đánh giá về hiệu quả thực hiện một số chính sách trước thực trạng trục lợi chính sách người có công với cách mạng, các chế độ chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, hỗ trợ đối với hộ nghèo…dẫn đến thất thoát lãng phí; cũng như có đánh giá thiệt hại xã hội khi để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng hay cháy nổ lớn thời gian qua.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, các tồn tại hạn chế trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018 xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỷ luật, lỷ cương trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn có những hạn chế nhất định…Do đó Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế tron gnawm 2018 để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí./.