ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH: NHÌN LẠI 1 NĂM HOẠT ĐỘNG

17/01/2020

Năm 2019, với sự phân công nhiệm vụ hiệu quả, khoa học của từng thành viên Ủy ban và tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tiếp tục có một năm hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình.

Góp phần hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao kỷ luật kỷ cương về tài chính ngân sách

Trong công tác xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng về tài chính, ngân sách nhà nước, hàng năm khối lượng công việc do Ủy ban chủ trì và tham gia thẩm tra lớn. Mặc dù chịu áp lực về thời gian, tiến độ và khối lượng công việc, song do có sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nên Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã hoàn thành có chất lượng và kịp thời.

Năm 2019, Ủy ban đã triển khai kế hoạch thẩm tra, giải trình tiếp thu và chỉnh lý đối với 03 dự án luật, 01 Nghị quyết và cho ý kiến với 01 Nghị định gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Dự thảo Nghị định Quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải tại phiên họp toàn thể của Quốc hội 

Ủy ban cũng đã chủ trì xây dựng và hoàn thiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ nguồn 10.000 tỷ đồng; Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về  nguồn dự phòng kế hoạch Đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài; Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Các báo cáo của Ủy ban đều được đánh giá là thể hiện rõ chính kiến, mang tính phản biện sâu sắc, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời đề xuất các phương án hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết, quyết định các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Đặc biệt, Ủy ban cũng tiếp tục phát huy vai trò của mình trong tổ chức thẩm tra, cho ý kiến và hoàn thiện báo cáo thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung về ngân sách nhà nước như báo cáo Quyết toán NSNN năm 2017; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018; Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2018 và triển khai phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2019; Việc xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2019 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019-2020; Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; Báo cáo thẩm tra về báo cáo công tác năm 2019 của Kiểm toán nhà nước; Báo cáo ý kiến về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán nhà nước;

Ngoài ra, theo nhiệm vụ được phân công, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tích cực tham gia, cho ý kiến thẩm tra đối với một số dự án Luật, dự thảo nghị quyết và các dự án, đề án khác trong chương trình của Quốc hội.

Hiêu quả trong giám sát

Trong công tác giám sát, khảo sát, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát, khảo sát của Ủy ban với các nội dung trọng tâm, trọng điểm và đã thu được kết quả thiết thực. Các nội dung báo cáo giám sát của Ủy ban được tổng hợp, phân tích kỹ lưỡng, thận trọng; các nhận định, đánh giá có tính thuyết phục, phản ánh sát thực tình hình thực tế.

Một trong những điểm nhấn trong hoạt động của Ủy ban năm vừa qua chính là việc chủ trì Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”. Kết quả giám sát đã thẳng thắn chỉ ra những kết quả, tồn tại hạn chế của các quy định pháp luật, tình hình hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và đưa ra kiến nghị. Kết quả giám sát tạo cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát về quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, giao Chính phủ rà soát, đánh giá tác động, báo cáo Quốc hội để xem xét những quỹ thuộc thẩm quyền Quốc hội. Chính phủ đánh giá các quỹ thuộc thẩm quyền Chính phủ. Đồng thời kiên quyết loại bỏ các quỹ hoạt động kém hiệu quả. Tiến tới giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho các quỹ và kiên quyết không thành lập các quỹ mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Ngoài ra, Ủy ban cũng tham gia đoàn giám sát thực hiện chính sách pháp luật giảm nghèo bền vững tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Đắk Nông và Kon Tum; tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” và “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”.

Đồng thời, tổ chức giám sát về quyết toán NSNN năm 2017, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 kết hợp với khảo sát việc thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước và tình hình thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Long An, Tây Ninh, Bình Phước; làm việc với Bộ, ngành và giám sát tại một số địa phương về việc thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN năm 2020.

Báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của Ủy ban được gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ, các địa phương và các đối tượng giám sát khác, góp phần giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương nhìn nhận một cách tổng thể, toàn diện về các vấn đề liên quan và kiến nghị sửa đổi về cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

Công tác đối ngoại cũng được Ủy ban duy trì và phát huy hiệu quả. Thông qua các hoạt động hợp tác với đại diện của một số cơ quan và tổ chức quốc tế về nhiều lĩnh vực mà chủ yếu là công tác về tài chính, ngân sách quốc gia, các thành viên của Ủy ban đã có dịp trao đổi kinh nghiệm quốc tế về hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, góp phần thúc đẩy hoạt động ngoại giao giữa các nghị viện; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban, nâng cao chất lượng chuyên môn, công tác xây dựng pháp luật và giám sát của Ủy ban. Bên cạnh đó, cũng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý tài chính, ngân sách cho một số đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng Nam Bộ. Đồng thời, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ đất nước, con người, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam với các nước trên thế giới.

Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2020

Năm 2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách xác định tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên gắn với công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát, kiến nghị các nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước. Dự kiến các nội dung trong năm 2020 đóng vai trò quan trọng trong quyết định vấn đề phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo như dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021-2023, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Một phiên họp toàn thể của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, Ủy ban cũng xác định tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban; tiếp tục cải tiến phương thức hoạt động của Ủy ban và Thường trực Ủy ban trên cơ sở phân công đầu mối phối hợp theo dõi sâu lĩnh vực phụ trách theo từng Bộ, ngành, địa phương, cũng như phối hợp chặt chẽ trong công tác với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội; các Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; các Đoàn đại biểu Quốc hội; Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan có liên quan ở Trung ương./.

Bảo Yến