SẼ XIN Ý KIẾN ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH VỀ QUỸ BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỰ THẢO LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

13/03/2023

Qua thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách để cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giá (sửa đổi) diễn ra vào chiều 8/3, cho thấy hiện quy định về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá và Quỹ bình ổn giá là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Phát biểu chỉ đạo vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn để tới đây xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ PHIÊN HỌP TOÀN THỂ ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH: RÀ SOÁT KỸ LƯỠNG, BÁM SÁT MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giá (sửa đổi)

Điều 17 Luật Giá hiện hành quy định: Trong trường hợp cần thiết, lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ  thực hiện bình ổn giá nhằm hỗ trợ bình ổn giá; sử dụng quỹ bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống. Chính phủ quy định  chi tiết về mặt hàng được lập quỹ bình ổn giá, việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay trên thực tế chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt  động nhằm mục tiêu bình ổn giá.

Quỹ bình ổn giá hiện đã hoạt động được 13 năm. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả. Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu mở riêng tài khoản tại ngân hàng để hạch toán thu, chi liên quan đến quỹ này và có trách nhiệm công khai, minh bạch thu, chi từ quỹ.

Thảo luận tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là phi thị trường và việc Quỹ này hoạt động không có thời hạn cũng không có đủ cơ sở pháp lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại phiên họp

Phân tích cơ chế hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, trong điều kiện bình thường, chúng ta thu thêm một khoản tiền để đưa vào Quỹ làm cho giá xăng dầu cao hơn so với giá thực tế. Đến khi giá thị trường lên cao khi đó chúng ta lại sử dụng Quỹ để giảm giá bán lẻ xăng dầu. Mặc dù mức giảm không đáng kể. Điều này cũng chính một phần nguyên nhân của việc diễn biến thị trường trong nước “nghịch” chu kỳ với thế giới. Về mặt khoa học và phương pháp tính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng Quỹ này không giúp gì cho việc giảm lạm phát.

Cùng quan điểm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng việc can thiệp của Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ là giải pháp tình thế và không thuận theo quy luật của kinh tế thị trường. Thực chất Quỹ này sử dụng tiền của khách hàng và ứng trước lạm phát. Theo đại biểu Lê Thanh Vân cần sớm kết thúc Quỹ này và thay vào đó có quỹ về phúc lợi xã hội để có hỗ trợ cho nhóm yếu thế khi xảy ra chênh lệnh giá cả quá cao, tác động đến đời sống người dân.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh, hiện nay cử tri, Nhân dân và chính các đại biểu Quốc hội chưa có thông tin một cách đầy đủ về việc sử dụng và hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ quan quản lý nhà nước khẳng định là Quỹ này hiệu quả nhưng thực tế có đúng như vậy hay không là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu rõ.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu tại phiên họp

Đã có thời điểm, hàng chục doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có văn bản đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Mới đây nhất, tại phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình quản lý, điều hành giá xăng dầu, tiếp tục có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ này. Do đó cần làm rõ sự cần thiết của việc giữ Quỹ này. Mặt khác, theo quy định của Luật có khoảng 7-8 mặt hàng bình ổn giá nhưng trên thực thế chỉ có xăng dầu có Quỹ bình ổn giá. Việc luật quy định Quỹ bình ổn giá về 1 mặt hàng có bảo đảm được tính bao quát hay không cũng là vấn đề cần được xem xét, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh đặt vấn đề.

Cùng với đó, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Lê Minh Nam và Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thành Trung cho rằng cần cân nhắc việc quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Luật. Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Thành Trung đề nghị trong trường hợp cần quy định trong Luật thì cần bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện và thời gian trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng vẫn nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên, cần có cơ chế, điều kiện để quỹ này vận hành minh bạch hơn. Làm rõ sự cần thiết Theo Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm, xuất phát từ quan điểm mục tiêu chiến lược cao nhất mà Quốc hội đặt ra là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững. Để làm được điều này, cần kiểm soát được lạm phát. Trong đó,  kiểm soát giá cả là quan trọng nhất và mặt hàng có tác động lớn nhất mạnh nhất là giá xăng dầu. Do đó, cần phải có các công cụ và biện pháp đủ mạnh để kiểm soát giá cả xăng dầu “nhảy múa”. Việc kiểm soát này để bảo đảm cho giao động về giá không quá lớn và tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân không quá lớn.

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm

Việc kiểm soát giá xăng dầu ở nước ta hiện nay có các công cụ như Quỹ bình ổn giá, dự trữ xăng dầu, thuế phí và một số yếu tố cấu thành giá khác. Tùy theo bối cảnh, điều kiện, biên độ giao động giá cả để lựa chọn áp dụng công cụ phù hợp. Theo đó, khi biên độ giao động của giá nhỏ thì dùng công cụ là quỹ; lớn hơn một chút dùng công cụ phí và lớn hơn nữa là công cụ thuế. Trong đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ được sử dụng thường xuyên nhất và linh hoạt nhất. Do đó về mặt thực tế cho thấy sự cần thiết của công cụ quỹ. Đại biểu Trần Văn Lâm cho biết thêm thực tế những hạn chế của Quỹ bình ổn giá xăng dầu là do công tác điều hành là chủ yếu. Vì vậy thay vì đề xuất bỏ Quỹ cần khắc phục trong điều hành để đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả.

Giải trình các ý kiến đặt ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã hỗ trợ quá trình điều hành giá không bị “sốc” khi giá xăng dầu thế giới biến động quá nhanh; giảm tác động đến tình hình kinh tế - xã hội trước những biến động giá đột ngột. Để bảo đảm công khai minh bạch hoạt động của Quỹ, thời gian qua, Bộ Tài chính thực hiện tối đa yêu cầu các doanh nghiệp công khai kiểm toán theo hàng quý, trên phương tiện thông tin đại chúng, trên website.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, đối với các nội dung có ý kiến khác nhau (hiện nay có 2 vấn đề là thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá và Quỹ bình ổn giá), cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn, ưu nhược điểm, tính phù hợp với đặc thù của Việt Nam đối với của từng loại ý kiến; quan điểm lựa chọn của Ủy ban Tài chính - Ngân sách với lý luận, giải thích rõ ràng, thuyết phục để tới đây xin ý kiến đai biểu Quốc hội tại Hội nghị chuyên trách và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quan điểm chung là phối hợp tốt, lắng nghe, cầu thị để tạo sự đồng thuận, thống nhất, tốt nhất là chỉ trình Quốc hội một phương án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý việc xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quóc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngoài việc xin ý kiến toàn diện về dự thảo Luật cần nêu rõ các nội dung lớn, các nội dung quan trọng, các nội dung còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến; quan điểm của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo về các nội dung này; đồng thời phải báo cáo rõ việc đáp ứng các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn đặt ra khi sửa đổi Luật./.

Bảo Yến

Các bài viết khác