ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 11

04/09/2018

Sáng ngày 04/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 11. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng; Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, Ban Dân nguyện; đại diện một số bộ, ngành, đơn vị có liên quan.

Tại phiên họp toàn thể lần này, Ủy ban Tư pháp tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát năm 2018 và Báo cáo về công tác gải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát năm 2018; Báo cáo của Chánh án tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành Tòa án năm 2018 và Báo cáo về công tác giải quyết kiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về công tác của ngành

Về công tác của ngành Kiểm sát năm 2018, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, năm 2018, cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra hơn 60.200 vụ án, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2017; giảm nhiều các tội phạm xâm phạm an ninh quóc gia; tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường. Tuy nhiên, một số nhóm tội phạm được phát hiện khởi tố tiếp tục tăng như: tội phạm về tham nhũng, chức vụ, tội phạm về ma túy, tội phạm về trật tự xã hội. Các tổ chức phản động trong và ngoài nước lợi dụng triệt để việc Quốc hội thảo luận Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, Luật An ninh đã tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân và các đối tượng hình sự tại nhiều địa phương biểu tình, gây rối trật tự công cộng, đập phá, hủy hoại tài sản của một số cơ quan Nhà nước. Đồng thời đã khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có sự kết cấu giữa chủ doanh nghiệp và cán bộ cơ quan Nhà nước để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, có vụ án liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục phát hiện nhiều vụ án về ma túy đặc biệt nghiêm trọng; xuất hiện nhiều loại ma túy mới, trong đó có chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội.

Đối với công tác của ngành Tòa án, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Tòa án trong năm vừa qua là phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng liên quan tới xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy nhà nước; làm tốt công tác xét xử các vụ án, nhất là các vụ án kinh tế và tham nhũng lớn; triển khai thực hiện nhiều đạo luật mới có liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án được sửa đổi, bổ sung và mới đi vào thực tiễn trong đó có các bộ luật quan trọng như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015…Trong công tác xét xử các loại vụ án, các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả nên chất lượng xét xử được đảm bảo, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án là 1,08%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã nghe đại diện Bộ Công an và Bộ Tư pháp báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Công tác thi hành án năm 2018.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu đánh giá, năm 2018, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã nỗ lực, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá, khắc phục nhiều khó khăn, thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, một số đại biểu nhận định Báo cáo của Tòa án chưa đánh giá sâu về những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, công tác xét xử các vụ án hành chính, cũng như tình hình ban hành quyết định buộc thi hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực thi hành. Báo cáo của viện Kiểm sát chưa đánh giá nguyên nhân nhân một số tồn tại kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, nhiều vụ án về xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, nguy cơ bỏ bọt tội phạm.

Trên cơ sở nhận định được những tồn tại trên, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên và việc giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn công tác xét xử, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng các về tư pháp, bảo đảm thống nhất áp dụng trong thực tiễn./.

Hồ Hương