ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC, THANH NIÊN THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG GIÁM SÁT TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG PHƯƠNG ĐÔNG ĐÀ NẴNG

02/08/2019

Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, chiều ngày 01/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Phương Đông, Đà Nẵng.

Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn giám sát, Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, giai đoạn 2015 - 2018, tổng quy mô đào tạo của Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng tăng từ hơn 2600 lên hơn 2700 học viên. Trường đã xây dựng đề án tuyển sinh, quảng bá trên website của trường và các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia Hội chợ tuyển sinh và giới thiệu việc làm. Trường cũng thành lập Trung tâm Tư vấn và giới thiệu việc làm, tham mưu công tác phối hợp với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho học sinh sinh viên sau tốt nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác tuyển sinh hệ chính quy vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do học sinh sau tốt nghiệp có nhiều cơ hội vào học đại học. Việc liên kết, phối hợp đào tạo với doanh nghiệp gặp khó khăn. Đối với trường tư thục với nguồn thu chủ yếu từ học phí tại các thành phố lớn, quy định về diện tích phòng học lý thuyết, phòng thực hành đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5m2/chỗ học là rất khó đáp ứng yêu cầu. Quy định về số lượng tối đa 35 học sinh sinh viên một lớp lý thuyết, 18 học sinh sinh viên một lớp thực hành chưa phù hợp đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội nhân văn, kinh doanh và quản lý.

Cũng tại buổi làm việc, Đại diện Nhà trường đề xuất với Đoàn giám sát những nội dung liên quan đến chuẩn giảng viên như: đối với cán bộ của doanh nghiệp tham gia đào tạo thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, sức khỏe, kinh doanh và quản lý, cần quy định về kinh nghiệm công tác chuyên môn có thể thay thế các chứng chỉ về sư phạm và kỹ năng nghề; Đề nghị có chính sách, cơ chế tạo điều kiện các trường cao đẳng tư thục được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; Là đơn vị đào tạo có uy tín về Điều dưỡng và Dược, đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện để trường được đào tạo nghề trọng điểm cấp quốc gia đối với ngành dược và cấp khu vực ASEAN đối với ngành Điều dưỡng; Đặc biệt, trường đề nghị có tổng kết, đánh giá đúng việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, có cơ chế chính sách phù hợp, đồng bộ các khâu đào tạo, việc làm tiền lương để phân luồng hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Triệu Thế Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Tiáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng có nhiều ngành nghề đào tạo với số lượng giảng viên đông, chú trọng công tác hợp tác quốc tế. Đoàn giám sát lưu ý trường cần thường xuyên nghiên cứu thay đổi cơ cấu ngành nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Các đại biểu Quốc hội băn khoăn khi số học sinh tốt nghiệp phổ thông đăng ký vào các trường nghề đều đang giảm dần thời gian qua. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Triệu Thế Hùng nhấn mạnh về việc liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo đầu ra thuận lợi cho học viên khi ra trường sớm có việc làm ổn định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng cho biết: "Chúng tôi mong muốn trong thời gian sắp tới, nhà trường gắn kết với doanh nghiệp, gắn kết với thị trường lao động và đây là điều kiện tốt để các em khi ra trường tiếp cận ngay với thiej trường lao động, bên cạnh đó khai thác năng lực máy móc của các doanh nghiệp, các cơ sở mà chúng ta đưa học sinh xuống"

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Triệu Thế Hùng kết luận tại buổi làm việc

Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Triệu Thế Hùng tiếp thu, ghi nhận các ý kiến kiến nghị của nhà trường; tổng hợp vào báo cáo giám sát chung để báo cáo Quốc hội; đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành liên quan tiếp thu, sớm giải quyết các kiến nghị để các trường cao đẳng nghề nghiệp hoạt động hiệu quả hơn./.

Nguyễn Hùng