Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo
Theo báo cáo của lãnh đạo Sở GDĐT, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa của tỉnh thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GDĐT, UBND tỉnh. Đối với nguồn lực thực hiện, hiện nay tổng kinh phí được bố trí gần 2.000 tỷ đồng (xây dựng cơ bản 1.900 tỷ đồng; sách giáo khoa, thiết bị dạy học hơn 235 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hơn 23 tỷ đồng).
Sở đã hoàn thành cơ bản đề cương, chuẩn bị biên soạn 2 tài liệu giáo dục địa phương (1 cho cấp tiểu học, 1 cho cấp THCS và THPT). Tài liệu được biên soạn theo từng chuyên đề phù hợp với nội dung định hướng của Bộ GDĐT. UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí biên soạn 2.000 triệu đồng. Dự kiến cuối tháng 8/2020, tài liệu sẽ biên soạn xong, đưa vào thử nghiệm dạy học. Tháng 12/2020 sẽ hoàn chỉnh và thực hiện thủ tục đề nghị Bộ phê duyệt để đưa vào giảng dạy.
Đến thời điểm này, các cơ sở giáo dục tiểu học đã thực hiện xong việc chọn sác giáo khoa, Sở đã tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh và Bộ GDĐT (có 45/46 đầu sách giáo khoa lớp 1 do Bộ GDĐT duyệt được các cơ sở giáo dục chọn). Điều này phát sinh một số vấn đề như việc phối hợp với nhiều nhà xuất bản, tác giả tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên gặp khó khăn do phải tổ chức nhiều lớp, nhiều nội dung. Đồng thời, việc không đồng bộ trong chọn sách giáo khoa toàn tỉnh sẽ phát sinh các vấn đề tiếp theo khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành.
Tính đến cuối tháng 6/2020, đã có gần 3.000 giáo viên, cán bộ quản lý được tập huấn cốt cán về chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đạt 21,5%). Trong tháng 7 và 8/2020, Sở sẽ triển khai tập huấn đại trà cho giáo viên, cán bộ quản lý kết hợp giữa hình thức trực tiếp và online) đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn).
Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Theo Sở GDĐT, nhiều môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được cấu trúc theo hình thức liên môn, khó khăn cho các cơ sở giáo dục đảm bảo việc bố trí đội ngũ giáo viên khi triển khai thực hiện đại trà; số giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019 còn khá cao; việc bồi dưỡng đại trà giáo viên, cán bộ quản lý để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới gặp khó khăn.
Ông Phạm Văn Hòa – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp lưu ý ngành giáo dục không nên để phụ huynh học sinh băn khoăn, lo lắng về chương trình học của con em. Đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm giám sát việc chọn sách giáo khoa cho năm học tới, lưu ý vấn đề giá của sách giáo khoa cần phù hợp. Đoàn giám sát ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Sở GDĐT để tổng hợp trình đến Quốc hội./.