Việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo là rất cần thiết

20/07/2015

Ngày 17/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, cán bộ quản lý và các chức sắc tôn giáo về Dự án Luật này.

Báo cáo tổng kết sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã cho thấy nhiều bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành đối với sự phát triển của các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng sôi động như hiện nay, đặt ra yêu cầu đổi mới hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất cần thiết phải ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để thay thế cho Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Điều này cũng nói lên trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Hiến pháp 2013 đã quy định.

Theo Phó Tổng Thư ký, Chánh văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Thiện Thống, trước sự phát triển của đất nước, các hình thức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã thể hiện sự phong phú, đa dạng, nên việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết. Thể chế hóa chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước bằng Luật sẽ làm cho những chủ trương, chính sách đã tốt càng thêm tốt hơn; các tôn giáo sẽ có công cụ pháp lý hữu hiệu để thực hiện các việc đạo của mình mà pháp luật không cấm.

Dẫn chứng một số điểm mới và tán thành với nội dung trong dự thảo Luật, Phó Trưởng ban Thường trực Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh Lý Du Sô cho rằng, so với Pháp lệnh thì dự thảo Luật đã có bước tiến rất xa, có tính mở hơn, phù hợp với điều ước quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo có thể hoạt động theo đúng quy định pháp luật liên quan.

Đánh giá khái quát nội dung Dự án Luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp 2013 đã có những nội dung mới rất cơ bản. Nội dung dự thảo là phù hợp, thể hiện được tư duy mới đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như mở rộng chủ thể hưởng quyền; khuyến khích, tạo điều kiện đảm bảo cho các hoạt động tôn giáo vì lợi ích cộng đồng, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia.

Dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Theo TTXVN