Dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình, đa số các đại biểu tán thành và biểu quyết thông qua Báo cáo thẩm tra dự án Luật du lịch (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, dự án Luật du lịch (sửa đổi) có 10 Chương, 79 điều, quy định về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch; dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 10 Chương, 79 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với 9 vấn đề được đề cập trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật du lịch (sửa đổi) và 10 vấn đề trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo đó, các đại biểu cơ bản thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) và cho rằng dự thảo Luật đã có nhiều chỉnh sửa cơ bản, đảm bảo sự công bằng giữa kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, ngoài 9 nội dung được nêu trong báo cáo thẩm tra, các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung thêm các quy định về quản lý và đào tạo đội ngũ lễ tân, hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, đề nghị quy định cụ thể ngay trong luật về tiêu chí xếp hạng cơ sở lưu trú cho từng hạng 1.
Đối với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu hoàn toàn nhất trí với 10 nội dung được tiếp thu, giải trình trong Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: về tên gọi của dự thảo Luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, lĩnh vực tín ngưỡng, việc công nhận tổ chức tôn giáo, hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo… Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi sử dụng hình ảnh của lãnh đạo để tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo vào trong nhóm hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5 của dự thảo luật. Ngoài ra, rà soát kỹ lưỡng từ ngữ được sử dụng trong dự thảo luật, đảm bảo kỹ thuật lập pháp.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đều cơ bản tán thành và biểu quyết thông qua Báo cáo kết quả hoạt động năm 2016 và phương hướng chương trình công tác năm 2017 và dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng khóa XIV.
Theo đó, trong năm 2016, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chủ trì thẩm tra 4 dự án luật gồm: Luật báo chí (sửa đổi), Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Luật du lịch (sửa đổi); tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát tại các địa phương và báo cáo với Quốc hội, gửi kết quả giám sát và kiến nghị tới Chính phủ, các bộ ngành hữu quan; tham gia các hoạt động đối ngoại theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tham gia các dự án quốc tế; tiếp nhận, xử lý đơn thư dân nguyện… Trong năm 2017, ủy ban sẽ tiếp tục chủ trì thẩm tra 2 dự án Luật, gồm: Luật du lịch (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao; thực hiện công tác giám sát, khảo sát chuyên đề, giám sát tổng hợp, làm việc thường niên với các Bộ ngành, tổ chức các hội nghị, hội thảo phục vụ công tác xây dựng pháp luật…
Dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban nêu rõ: cơ cấu tổ chức của Ủy ban gồm 46 thành viên: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm (không quá 5 người) và 36 Ủy viên khác; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban, Thường trực Ủy ban, Tiểu ban, Chủ nhiệm Ủy ban, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên Thường trực Ủy ban, Ủy viên Ủy ban và các hình thức hoạt động của Ủy ban.