Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo Ảnh: Đình Nam
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản quy định chi tiết thi hành, thực tế cho thấy vẫn còn những bất cập trong các quy định của Pháp lệnh chưa phù hợp tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và có những vấn đề phức tạp phát sinh như: quy định về hoạt động tín ngưỡng, đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo, phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo...
Những bất cập này đã đặt ra yêu cầu phải có một đạo luật để điều chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cao hơn phù hợp với Hiến pháp mới, tương thích với các điều ước quốc tế đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công tác về tín ngưỡng, tôn giáo.
Dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo trình Quốc hội lần này có bố cục gồm 11 chương, 11 mục và 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong đó, có một chương mới quy định Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (từ Điều 58 đến Điều 65). Chương này với các điều luật nhằm quy định nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; quy định thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm.
Tờ trình cũng cho biết, một số quy định về hoạt động tôn giáo (từ Điều 30 đến Điều 42) đã được sửa đổi theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn so với Pháp lệnh như: Thẩm quyền chấp thuận hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành được thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn như chỉ thông báo mà không cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thuyên chuyển; phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho người có quốc tịch nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; tạm đình chỉ hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành; đăng ký người vào tu được chỉnh sửa theo các quy định của pháp luật về cư trú cho phù hợp; đăng ký hoạt động tôn giáo hằng năm được thay đổi theo hướng chỉ đăng ký lần đầu, nếu có hoạt động tôn giáo phát sinh sẽ đăng ký bổ sung.
Dự án Luật có nhiều điểm tiến bộ so với Pháp lệnh như: việc mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, đồng thời xây dựng chương quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh, đa số thành viên Ủy ban nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, đa số thành viên Ủy ban cho rằng kết cấu, bố cục của dự thảo Luật còn mất cân đối và chưa hợp lý: các quy định về tín ngưỡng còn quá đơn giản, sơ sài; nội dung còn nặng về quản lý nhà nước mà thiếu cụ thể hóa về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; cách phân chia chương, mục, sắp xếp các điều khoản cũng chưa hợp lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại kết cấu, bố cục của dự thảo Luật để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên.
Về chương mới của dự thảo luật, chương quản lý nhà nước về tôn giáo, Ủy ban thẩm tra cho rằng các quy định về quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn nặng nề; cách thể hiện trong các điều luật còn mang tính hành chính, “xin- cho”, chưa thể hiện được quan điểm:“tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo” như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cần chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn; cần phân định rõ tính chất, mức độ khác nhau của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để có phương thức quản lý phù hợp.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (quy định tại Điều 6), Ủy ban thẩm tra nhất trí cần thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, Điều 6 chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân, hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức; do vậy, sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tuỳ tiện và khó xác định chế tài xử lý.
Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng quy định này cũng như pháp luật có liên quan như Bộ luật hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính… để vừa làm rõ các hành vi bị nghiêm cấm phù hợp với các trường hợp và lý do hạn chế quyền con người theo quy định của Hiến pháp, vừa mang tính khả thi khi áp dụng trong thực tiễn.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát cụ thể về nội dung các điều, khoản, về kỹ thuật văn bản và kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật.