Ảnh: Hồ Hương
Tham dự buổi tọa đàm còn có đại diện Unicef tại Việt Nam, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và một số chuyên gia, nhà nghiên cứu…
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh cho biết, nội dung bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của dự thảo Luật trẻ em xoay quanh các quyền cơ bản của trẻ em; tạo khung khổ pháp lý cho việc nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong bối cảnh đất nước đổi mới, đồng thời thực hiện Công ước về quyền trẻ em (CRC) mà Việt Nam đã ký kết, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới thực hiện tốt Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.
Bên cạnh những quy định chung, dự thảo Luật đã nêu rõ các quyền và bổn phận của trẻ em, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em; bảo vệ trẻ em; bảo đảm các quyền tham gia của trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các quyền trẻ em… Đặc biệt, vấn đề cơ chế điều phối liên ngành, cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em, cơ quan đại diện của trẻ em là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật.
Buổi tọa đàm này được tổ chức để các chuyên gia đóng góp ý kiến, trên cơ sở tham khảo mô hình tổ chức ở các nước về cơ chế điều phối liên ngành, cơ chế giám sát thực hiện quyền trẻ em để xây dựng ở Việt Nam một mô hình phù hợp, hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em một cách tốt nhất.
Đại diện Unicef cho rằng, dự thảo Luật trẻ em đưa ra nhiều điều khoản mới đột phá, trong đó có việc thành lập một cơ quan điều phối quốc gia cho trẻ em. Cơ quan điều phối quốc gia cho trẻ em thuộc chính phủ nhằm thúc đẩy công tác điều phối và phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện quyền trẻ em. Việc thành lập cơ quan này sẽ góp phần quan trọng đối với cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em và đưa Việt Nam gần với thông lệ của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Thảo luân tại buổi tạo đàm, các đại biểu đều đánh giá, hiện nay, ở Việt Nam chưa có một cơ chế giám sát quyền trẻ em hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế: thiếu cơ chế giải trình để thực hiện khuyến nghị của các cơ quan giám sát một cách toàn diện; cách tiếp cận hiện tại chưa ưu tiên trẻ em; các tiến trình ít có sự tham gia của trẻ em; thiếu các biện pháp giải quyết vi phạm quyền trẻ em một cách hiệu quả.
Unicef cho biết, hiện nay, trên thế giới đã có hơn 70 quốc gia thiết lật cơ chế giám sát độc lập quyền trẻ em đang hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực này với nhiều tên gọi khác nhau: Cao ủy về trẻ em, Ủy ban Quyền trẻ em, Cơ quan vận động cho trẻ em…
Từ thực tế trên, các đại biểu đều nhận định, Việt Nam cần hướng tới thành lập một cơ quan giám sát độc lập về việc thực hiện quyền trẻ em, không chịu sự quản lý trực tiếp của một cơ quan nhà nước nào liên quan đến việc thực thi quyền trẻ em. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, cơ quan này không tách hoàn toàn khỏi hệ thống Nhà nước, mà được Nhà nước cấp ngân sách hoạt động, được thành lập và chịu trách nhiệm giải trình theo một đạo luật cụ thể.
Một số đại biểu đề xuất, trước khi thành lập được cơ quan giám sát độc lập về quyền trẻ em, trách nhiệm giám sát này tạm thời chỉ nên giao cho Quốc hội hoặc Mặt trận Tổ quốc, chứ không nên giao cho Trung ương Đoàn. Bởi, cơ quan này chỉ mạnh trong các hoạt động tình nguyện và quản lý trẻ em từ độ tuổi đội viên trở lên. Nếu giao trách nhiệm này cho Trung ương Đoàn sẽ là quá sức và không phù hợp.
Về vấn đề phối hợp liên ngành, đại diện Cục bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, qua tổng kết 10 năm thi hành luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, tổ chức chưa được quy định cụ thể; chưa có quy định lồng ghép các vấn đề về trẻ em trong mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, cần thành lập tổ chức liên ngành nhằm tăng cường phối hợp, tránh chồng chéo, bỏ trống việc thực hiện quyền trẻ em.
Liên quan đến vấn đề phối hợp liên ngành trong việc xây dựng dự thảo Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga cho biết, hiện nay Quốc hội đang chỉnh lý 5 dự án luật, trong đó cả 5 dự án luật đều liên quan đến trẻ em. Vì vậy, chúng ta làm thế nào để giải quyết thực tiễn thời gian vừa qua có nhiều vụ bị xâm hại mà đối tượng là trẻ em. Thực tế trong hoạt động tư pháp, trẻ em liên quan đến nhiều việc: trẻ em là đối tượng bị xâm hại trong luật hình sự, quyền của trẻ em trong luật dân sự, các vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức xử lý hình sự…
Phó chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, hiện nay, chúng ta có khoảng 10 luật trong hoạt động tư pháp liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, trong luật hiện hành, vấn đề bảo vệ trẻ em trong hoạt động tư pháp khá mờ nhạt. Trong khí đó, tháng 10 này phải đưa ra Quốc hội thảo luận rồi.
Do đó, để hoàn thiện, Phó chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị, Chính phủ cần phải phối hợp tốt với Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Công an bám sát các bộ luật hiện hành cũng như các bộ luật sửa đổi để giải quyết về các vấn đề như: tuổi chịu trách nhiệm hình sự, một số loại tội phạm mà trẻ em là đối tượng bị xâm hại, những tình tiết bảo vệ trẻ em khi trẻ em là đối tượng phạm tội… Đề nghị cơ quan soạn thảo sớm rà soát, hoàn thiện để các Ủy ban của Quốc hội xem xét phối hợp phục vụ cho quá trình thẩm tra.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội nghị, đại diện tổ chức Unicef và các Bộ, ngành. Những ý kiến này sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho quá trình thẩm tra dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi).