Ủy ban đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của Chính phủ, đa phần các ý kiến thành viên Ủy ban nhất trí với sự cần thiết phải ban hành 3 Luật trên và đã có những ý kiến phát biểu cụ thể đối với từng dự án Luật.
Về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (sửa đổi), Ủy ban nhất trí với quan điểm phải sửa đổi dự án Luật. Việc sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện quyền trẻ em; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; khắc phục được những hạn chế của Luật hiện hành, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đa số ý kiến của Ủy ban tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật như tên gọi, phạm vi điều chỉnh, điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi, giao Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là cơ quan đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em Việt Nam và sự cần thiết phải thành lập cơ chế điều phối liên ngành về trẻ em. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần giao nhiệm vụ cụ thể hơn cho Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để đảm bảo thực hiện vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em đạt hiệu quả cao. Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn vai trò của nhà trường trong việc giáo dục, định hình nhân cách cho trẻ em, rà soát tổng thể kỹ thuật lập pháp của dự thảo Luật.
Luật Báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân đòi hỏi cách thức quản lý báo chí phù hợp.
Ủy ban nhận thấy dự thảo Luật Báo chí đã kế thừa những nội dung cơ bản của luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với hiến pháp 2013. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định rõ quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; chưa quy định hợp lý đối tượng được thành lập cơ quan báo chí gắn với phân loại báo chí cũng như mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan báo chí.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần điều chỉnh một số nội dung như: những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo, cung cấp thông tin cho báo chí… Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần quan tâm đến mô hình tập đoàn/tổ hợp truyền thông đa phương tiện hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của báo chí nước ta để có những quy định phù hợp.
Đa số thành viên Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Các thành viên Ủy ban đã thảo luận nhiều vấn đề của dự án Luật và cho rằng: các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong dự thảo Luật còn chưa tương xứng với tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp 2013 vì đối tượng được ghi nhận và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn chưa đầy đủ; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tuy đã được mở rộng song còn bị ràng buộc bởi sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước.
Nội dung về tín ngưỡng trong Dự thảo Luật còn sơ sài, chưa thể hiện được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng đang diễn ra một cách đa dạng và phức tạp như hiện nay, chưa làm rõ các hình thức tín ngưỡng khác nhau; vấn đề pháp nhân tôn giáo cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn để thống nhất với các quy định trong Bộ luật dân sự đang được sửa đổi và phù hợp với quy định mới trong dự thảo Luật này về việc các tổ chức tôn giáo được tham gia vào hoạt động xã hội, từ thiện; các quy định quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo còn nặng nề, cách thể hiện các điều luật còn mang nặng tính hành chính.
Ủy ban cho rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là những quyền mang yếu tố tinh thần, tâm linh, do đó, quản lý nhà nước phải mang tính đặc thù. Việc quy định nội dung và hình thức quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cần được xem xét dưới góc độ các biện pháp của Nhà nước để đảm bảo thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ủy ban cũng cho rằng, việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng hiện nay còn chồng chéo và thiếu rõ ràng.
Việc giao chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp vì mới chỉ tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa, tinh thần trong phạm vi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, Ủy ban đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu giao chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho một cơ quan phù hợp hơn.
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị, giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhằm bảo đảm sự thống nhất trong quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vừa phát huy giá trị văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo trong sinh hoạt tinh thần và đời sống của người dân.
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ghi nhận những góp ý quý báu của Đại biểu quốc hội, nghiêm túc tiếp thu ý kiến các thành viên Ủy ban và sẽ thể hiện trong dự thảo Luật.