TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

10/07/2018

Tại phiên họp giữa Ủy ban VH, GD, TN, TN & NĐ với Bộ GD & ĐT vào chiều 06/7 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ban soạn thảo đã giải trình một số nội dung về tại chính và phạm vi điều chỉnh mà các đại biểu Quốc hội đề nghị tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua.

Toàn cảnh phiên họp

Không quy định việc phát hành cổ phiếu đối với ĐH tư thục

Theo Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại diện Ban soạn thảo- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, đối với một số ý kiến đề nghị quy định rõ cơ sở giáo dục đại học tư thục được hay không được phát hành cổ phiếu, Báo cáo của Bộ GD & ĐT cho biết, cơ sở giáo dục đại học tư thục do các tổ chức, cá nhân thành lập thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (sau thời gian ưu đãi thuế) nên việc phát hành cổ phiếu thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành, không quy định trong Luật GDĐH là luật chuyên ngành lĩnh vực giáo dục đào tạo. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên nội dung của Điều 66.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Đối với đề nghị làm rõ khoản thu phí đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng; cần có trần học phí; quy định rõ chi phí tính vào học phí; căn cứ đánh giá chất lượng dịch vụ tương xứng với mức thu; quy định rõ trách nhiệm xã hội của trường khi tăng học phí, chi phí đào tạo; quy định rõ cơ chế hỗ trợ người học thuộc nhóm yếu thế; hoàn thiện chính sách đối với người học thuộc diện chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số, người học ngành đặc thù, Báo cáo của Ban soạn thảo nêu rõ : Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đều đã có Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2018 và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 quy định các bộ ngành phải xây dựng hướng dẫn xác định định mức kinh tế kỹ thuật đối với từng nhóm ngành học nên không cần đưa quy định này vào Luật.

Mở rộng phạm vi, tăng cường hiệu quả tự chủ đại học

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Dự án Luật, một số ý kiến đề nghị sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Giáo dục đại học và đề nghị sửa tên Luật là “Luật Giáo dục đại học sửa đổi” do khối lượng điều khoản sửa đổi lớn; đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến việc thành lập trường và cho phép hoạt động đào tạo tại các điều 22, 23 Luật GDĐH hiện hành.

Các đại biểu tại phiên họp

Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo Luật đã tập trung vào 4 chính sách nhằm giải quyết những vướng mắc nhất của GDĐH hiện nay, trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề mở rộng phạm vi và tăng cường hiệu quả thực hiện tự chủ đại học. Bên cạnh đó, nhiều chính sách, quy định của Luật hiện hành vẫn còn phù hợp nên đề nghị tiếp tục để nhằm tạo sự đảm bảo ổn định trong thực hiện chính sách. Một số chính sách mới cần nghiên cứu thấu đáo, toàn diện nên cơ quan soạn thảo đề xuất chỉ luật hóa những nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Do vậy, cơ quan soạn thảo xin được giữ tên của dự thảo Luật như đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 34/2017/QH14 là: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc và vướng mắc nhất của GDĐH hiện nay.

Không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Về ý kiến đề nghị rà soát lại, không nhất thiết phải đưa quy định về quản lý, sử dụng tài sản công vào Luật để bảo đảm đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công, theo đó tại Điều 67, mục 1 chỉ cần nêu "được quản lý sử dụng theo nguyên tắc tài sản công" và đề nghị làm rõ quy định "không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất" tại mục 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu

Cơ quan soạn thảo xin giải trình như sau: Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, các đơn vị tự chủ được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì không đề cập đến nội dung giao tài sản mà các đơn vị phải xây dựng đề án phục vụ cho hoạt động của đơn vị cũng như cho thuê, kinh doanh và liên doanh liên kết...Việc giao tài chính, tài sản cho các đơn vị không đề cập trong Luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật đất đai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn chiếm đất đai; không sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; huỷ hoại đất; không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi sử dụng các quyền của người sử dụng đất; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất. Do đó, các cơ sở giáo dục không được chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.

Nhà nước chịu trách nhiệm chính về đầu tư dịch vụ cơ bản

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư cho GDĐH. Bổ sung nguồn thu của cơ sở GDĐH từ hoạt động doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nhà trường.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD & ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Ban soạn thảo cho biết, trách nhiệm đầu tư của nhà nước đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đã được quy định tại Nghị quyết số 37/2004/QH11 của Quốc hội phải đảm bảo tỷ lệ 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng xác định nhà nước chịu trách nhiệm chính đầu tư đối với các dịch vụ cơ bản thiết yếu (trong lĩnh vực giáo dục là giáo dục mầm non, phổ thông và một số ngành học quan trọng khó có khả năng xã hội hóa ở bậc đại học), giáo dục bậc cao như giáo dục đại học khuyến khích xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách.

Không quy định chi tiết các nội dung tự chủ tài chính

Báo cáo cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần quy định cơ chế công khai, minh bạch trong tài chính đại học; làm rõ quy định: “cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động” quy định tại khoản 2 Điều 66 và làm rõ các khoản thu phí đối với dịch vụ đào tạo do Nhà nước đặt hàng; đồng thời rà soát lại các quy định về tài chính, tài sản và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản cho thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Triệu Thế Hùng phát biểu

Đại diện Ban soạn thảo cho biết, Bộ GD & ĐT đang soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập, các nội dung quy định về cơ chế tự chủ tài chính tại Nghị định này căn cứ quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định khung), Chính phủ hiện nay đã giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP, nếu quy định cụ thể vào Luật, khi Nghị định 16 sửa đổi sẽ khó khăn để sửa đổi. Vì vậy, Bộ GD & ĐT đề nghị không quy định chi tiết các nội dung tự chủ tài chính trong dự thảo Luật, nội dung này sẽ quy định tại Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị đổi mới cơ chế đầu tư, bảo đảm công bằng, hiệu quả; cân nhắc việc luật hóa cơ chế trường công lập tự chủ tài chính; đề nghị thực hiện phương thức đặt hàng đào tạo, không phân biệt công – tư.

Ban soạn thảo cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ ban hành dự thảo Nghị định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, trong dự thảo Nghị định đã bao gồm các dịch vụ công thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Vì vậy, Bộ GD & ĐT đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật GDĐH để tránh trùng lặp nhiệm vụ do Bộ Tài chính thực hiện.

 

Thu Phương