THẨM TRA SƠ BỘ MỞ RỘNG DỰ ÁN LUẬT THƯ VIỆN

03/04/2019

Chiều ngày 03/4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ mở rộng về dự thảo Luật Thư viện. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thư viện.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, sau Phiên họp lần thứ 32 (tháng 3/ 2019) về Dự án Luật Thư viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo rà soát và tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp nhằm hoàn thiện Dự án Luật Thư viện.

Dự thảo Luật Thư viện sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 7 chương, 51 điều, không thay đổi số chương, điều so với Dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 32. Về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, dự thảo Luật Thư viện đã bổ sung quy định làm rõ những hoạt động thư viện được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích tại Điều 4; rà soát chỉnh sửa quy định tại các điều khoản có liên quan: Điều 5, Điều 8, Điều 11, Điều 15, Điều 16, Điều 19, Điều 20, Điều 23 và Điều 24 của dự thảo Luật để làm rõ chính sách này.

Để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển thư viện, nhất là đối với thư viện ngoài công lập, dự thảo Luật đã bỏ quy định nguyên tắc hoạt động thư viện không vì lợi nhuận (khoản 1 Điều 13) và bổ sung thêm quy định về thành lập thư viện ngoài công lập theo mô hình doanh nghiệp (điểm a khoản 2 Điều 10) để đảm bảo chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư từ mọi thành phần, không hạn chế việc tham gia hoạt động thư viện kể cả vì lợi nhuận.

Tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan đến phí hoạt động thư viện, dự thảo Luật đã được chỉnh lý các quy định có liên quan Điều 17 (khoản 4), Điều 23 (khoản 3), Điều 38 (khoản 2), theo đó phí được sử dụng cho thư viện công lập sử dụng ngân sách nhà nước, giá được áp dụng đối với các khoản thu của các đơn vị ngoài công lập và tổ chức khác. Đồng thời, dự thảo Luật quy định tại khoản 2 Điều 37, rà soát, chỉnh lý nội dung để thể hiện rõ chủ trương người sử dụng thư viện không phải trả các chi phí khi thực hiện một số hoạt động trong các thư viện công lập.

 

Các đại biểu tại phiên họp

Ngoài ra, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chính trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống trực thuộc. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (khoản 4 Điều 48).

Thẩm tra dự án Luật Thư viện đã được tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá hồ sơ dự án Luật Thư viện đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nội dung về chính sách đầu tư cho thư viện trung tâm có vai trò quan trọng là chính sách mới, cần được bổ sung trong Báo cáo đánh giá tác động.

Về cơ bản, Ủy ban nhận thấy, Ban soạn thảo Dự án Luật Thư viện đã tích cực nghiên cứu và tiếp thu nhiều nội dung góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và báo cáo của Ủy ban Pháp luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã hợp lý hơn, thể hiện trách nhiệm của Ban soạn thảo để kịp tiến độ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban đồng nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật Thư viện quy định về hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Luật  áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam.

Để đảm bảo mục tiêu xây dựng Luật, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số nội dung về tiêu chuẩn người làm công tác thư viện, Ngày sách Việt Nam vào vào dự thảo Luật. Đồng thời nghiên cứu, bổ sung  quy định nhằm tạo điều kiện phát huy vai trò của tổ chức này trong việc tư vấn và thực hiện trong  một số nội dung của hoạt động thư viện như liên thông, xây dựng đội ngũ làm công tác thư viện, xếp hạng hoạt động thư viện, hợp tác quốc tế....

Hoạt động thư viện có tính đặc thù, đòi hỏi người trực tiếp quản lý phải có trình độ chuyên môn mới thực hiện được đầy đủ chức trách của mình, do vậy , Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn về chuyên môn và số năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thư viện. Ngoài ra, Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản của dự thảo Luật, đảm bảo vận dụng thống nhất các từ ngữ, thuật ngữ sử dụng trong dự thảo Luật./.

Thu Phương