Đại biểu Huỳnh Thành Đạt cho rằng, hiện nay xu thế đẩy mạnh liên giữa các trường đại học với doanh nghiệp đặc biệt là các khu công nghiệp ngày càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này ở nước ta lại chưa thực sự phổ biến, kể cả tại các trường đại học chất lượng cao. Tại các nước trên thế giới việc thực hiện liên kết này rất tốt. Đại diện của các doanh nghiệp tham gia vào Hội đồng trường để định hướng, hỗ trợ cho nhà trường về chương trình đào tạo và nghiên cứu để chuyển giao công nghệ một cách có hiệu quả. Đồng thời, các lãnh đạo doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh rất muốn được tham gia vào quá trình đào tạo, giảng dạy.
Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết tại các nước, họ có hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục sẽ được vinh danh và hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính… Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, TB và XH đã đề xuất Chính phủ về một số chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục và đã có một số kết quả nhất định.
Trong thời gian tới, Bộ cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục tìm hiểu cơ chế huy động nguồn lực xã hội trên thế giới và vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam. Việc kết nối doanh nghiệp hay xã hội hóa đầu tư vào giáo dục không chỉ đơn thuần là hô hào, là mệnh lệnh hành chính mà để doanh nghiệp thấy được lợi ích của mình trong việc kết nối với nhà trường. Khi đó, doanh nghiệp sẽ gắn với nhà trường và sáng tạo trong cơ chế hợp tác.