Từng bước xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia

25/04/2015

Tại phiên giải trình của Chính phủ về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 24/4 tại Hà Nội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm là do công tác phối hợp dự báo và đào tạo không kết nối với nhau dẫn đến đào tạo thiếu đồng bộ, không phù hợp với nhu cầu.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé

Giải trình với các đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, gần 10 năm trở lại đây, Chính phủ rất quan tâm đến công tác thông tin thị trường. Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của dự báo lao động và đã thành lập các trung tâm dự báo nhu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, với đặc điểm đây là lĩnh vực mới, đội ngũ cán bộ trẻ, sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu trong nước còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp cung cấp thông tin nhu cầu việc làm để xây dựng cơ sở dữ liệu chưa nhiều nên các kết quả dự báo mới chỉ ở ngắn hạn và chưa thực hiện được các dự báo dài hạn. Thay mặt Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trong vấn đề này. Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng cho biết để khắc phục những hạn chế trên, Bộ đang phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế nhằm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương tại phiên giải trình

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương giải trình tại Phiên họp

Liên quan đến việc chậm trễ triển khai Đề án xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thế Phương phân tích đây là vấn đề rất mới tại Việt Nam và tương đối khó khăn. Việc thực hiện quy hoạch đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở dữ liệu dài hạn và đầy đủ. Trong khi đó cơ sở dữ liệu trong 10 năm trở lại đây của Việt Nam cũng không đầy đủ và liên tục. Hiện nay, việc triển khai công tác dự báo phát triển nhân lực chưa được tiến hành đồng bộ và có hệ thống trên phạm vi cả nước, chưa có sự liên kết giữa các địa phương, các bộ ngành với nhau. Việc tổ chức thực hiện công tác dự báo tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn không chỉ bởi đây là vấn đề mới mà còn chưa quy định rõ cơ quan có thẩm quyền, chịu trách nhiệm triển khai nhiệm vụ này. Có bộ, địa phương do cơ quan về kế hoạch tài chính thực hiện những cũng có bộ, địa phương lại do cơ quan tổ chức cán bộ thực hiện. Hơn nữa, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ ngành địa phương còn hạn chế. Mặt khác trong quá trình chuẩn bị triển khai Bộ Kế hoạch - Đầu tư gặp phải không ít khó khăn về kinh phí thực hiện.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia. Song công tác này sẽ được thực hiện từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bộ sẽ lựa chọn các khu vực trọng điểm có phạm vi rộng về nhu cầu nhân lực như tại các địa bàn kinh tế trọng điểm tại ba miền. Trước mắt, Bộ mong muốn thực hiện được 60% - 70% nhu cầu thực tiễn.

Bảo Yến