Nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động kém chất lượng của y tế cơ sở
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của y tế cơ sở là do chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, số lượng còn thiếu: số lượng bác sỹ được đào tạo chính quy thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông. Việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế; nhiều nơi không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ nên chưa thực hiện được đầy đủ danh mục kỹ thuật tuyến huyện, xã theo quy định của Bộ Y tế. Chính sách thông tuyến khám chữa bệnh cũng làm hạn chế việc cung ứng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, đầu tư cho y tế còn thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ, vẫn còn một số bệnh viện/trung tâm y tế huyện chưa được đầu tư, trang thiết bị còn thiếu, lạc hậu; còn khoảng 40% trạm y tế xã chưa đạt tiêu chí quốc gia. Luật Ngân sách nhà nước quy định ngân sách địa phương có trách nhiệm đầu tư cho y tế địa phương nhưng do ngân sách khó khăn nên nhiều tỉnh chưa bố trí, trong khi chưa có nguồn vốn riêng, đủ mạnh từ ngân sách trung ương để hỗ trợ ngân sách địa phương đầu tư cho y tế cơ sở, Năng lực quản trị và hệ thống thông tin quản lý y tế cơ sở còn chậm được đổi mới. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chế độ chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, về cơ bản như y tế tuyến tỉnh, trung ương, có khi còn thấp hơn như phụ cấp trực chẳng hạn; phụ cấp ưu đãi cho y tế xã mặc dù có cao hơn y tế tỉnh, huyện nhưng còn thấp, chưa tạo ra sự khác biệt lớn để khuyến khích cán bộ y tế về tuyến cơ sở. Nhiều địa phương giao tự chủ chi thường xuyên cho cả bệnh viện/trung tâm y tế huyện có số thu không đủ chi nên phần lớn cán bộ y tế cơ sở chỉ được hưởng lương theo mức lương cơ sở và hệ số lương, chế phụ cấp theo quy định, không có thu nhập tăng thêm ngoài lương. Chưa có các giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng bác sỹ tuyến cơ sở được cử đi đào tạo nhưng lại xin chuyển hoặc thôi việc để làm việc tại các bệnh viện tuyến trên hoặc các bệnh viện tư; chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ các chuyên khoa ít hấp dẫn sang các chuyên khoa hấp dẫn, từ nông thôn, miền núi về các thành phố lớn.
Ngoài những nguyên nhân trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho rằng cơ chế tài chính còn nhiều bất cập cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của mạng lưới y tế cơ sở. Cụ thể, Bộ trưởng nêu rõ, hoạt động của y tế cơ sở chủ yếu là dự phòng, nâng cao sức khỏe. Theo quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh ban hành định mức phân bổ ngân sách địa phương cho y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể nên nhiều địa phương chưa bảo đảm 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, có địa phương phân bổ chi cho y tế dự phòng theo biên chế với mức như phân bổ chi chi quản lý hành chính nên không có kinh phí để hoạt động. Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10-20 triệu đồng/trạm/năm. Phân bổ và giao ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số còn chậm và chưa đầy đủ, nhiều tỉnh chưa bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động của chương trình theo Quyết định 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng. Nhiều hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được phân bổ kinh phí để triển khai hoặc có nhưng rất thấp. Các trung tâm y tế huyện đa chức năng bao gồm cả khám bệnh, dự phòng, nâng cao sức khỏe, dân số, an toàn thực phẩm, trực tiếp quản lý trạm y tế xã nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguồn và cơ chế quản lý tài chính.
Đối với bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, bảo hiểm y tế hiện nay mới chỉ thanh toán cho các dịch vụ khám chữa bệnh, chưa có đủ nguồn lực và cơ chế thanh toán cho các dịch vụ dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý người bệnh tại cộng đồng, cung cấp dịch vụ ngoại tuyến, đội khám, chữa bệnh lưu động…
Thiếu cơ chế thúc đẩy động lực để y tế xã làm việc có hiệu quả
Thảo luận tại Phiên giải trình, một số đại biểu cũng đưa ra những phân tích cụ thể để lý giải cho tình trạng hoạt động kém hiệu quả của y tế cơ sở. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, phân tích, để trả lời cho câu hỏi vì sao nhiều trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, đủ cả bác sĩ, dược sĩ, hộ sinh, y học cổ truyền, nhưng hàng ngày chỉ tiếp đón số ít người đến khám bệnh; nhưng ngược lại có trạm y tế nhà cửa xiêu vẹo, có đủ cán bộ chuyên môn nên hàng ngày vẫn tiếp đón hàng trăm bệnh nhân. Qua tham khảo thực tế, đại biểu chỉ ra 3 nguyên nhân: Thứ nhất, nhà nước đã đầu tư nguồn kinh phí, nhân lực cho y tế xã nhưng thiếu cơ chế thúc đẩy động lực để y tế xã làm việc có hiệu quả. Thứ hai, Việc khoán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho tuyến xã tối đa 20%, vì vậy dù danh mục nhiều thuốc, nhiều dịch vụ nhưng cũng vướng chạm trần 20%. Vì vậy người dân ít muốn đến trạm y tế khám chữa bệnh. Thứ ba, Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, khoảng 31% trường hợp khám bệnh ở tuyến Trung ương có thể giải quyết ở tỉnh; 41% khám chữa bệnh ở tỉnh có thể làm ở huyện… Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định pháp lý để bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh hạn chế nhận khám chữa bệnh thông thường thuộc tuyến dưới.
Giáo sư Phạm Mạnh Hùng phân tích
Nhận thức về vai trò của y tế cơ sở có phần bị lãng quên và coi nhẹ
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của y tế cơ sở vẫn chưa thực sự cao và chưa xứng đáng so với ngân sách đầu tư và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Giáo sư Phạm Mạnh Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, trước đây chúng ta đã khảng định y tế cơ sở là tuyến đầu và xung kích vì nó là nơi thể hiện chủ yếu tính công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, là nơi đầu tiên phát hiện và xử lý bệnh tật và còn là một trong những chân đế vững chắc của hệ thống chính trị để an dân, thì ngày nay nhận thức đó có phần bị lãng quên và coi nhẹ.
Bên cạnh đó, Giáo sư Phạm Mạnh Hùng còn đánh giá, cơ chế thị trường ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống kinh tế xã hội, thì hiện tượng rõ rệt nhất của cơ chế thị trường là “nước chẩy chỗ chũng”, nơi nào kiếm được nhiều tiền, làm ra nhiều tiền thì nơi ấy thu hút nhiều nhân lực, tài lực và được mọi người quan tâm, hưởng ứng. Trong hoàn cảnh ấy, cơ chế hoạt động của y tế cơ sở chưa được bàn tính một cách thấu đáo để thích ứng với tình hình này. Giáo sư nhấn mạnh, chúng ta không phải không có tiền, nhưng cái thiếu chính là chúng ta lúng túng, thậm chí hữu khuynh về quản lý, chưa có quyết tâm chiến lược tìm ra phương thức và nội dung hoạt động của y tế cơ sở phù hợp với cơ chế thị trường định hưỡng xã hội chủ nghĩa.
Ghi nhận những phân tích của các đại biểu tham dự, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị kim Tiến nêu rõ, trên cơ sở nhận thức được những nguyên nhân gây nên tình trạng yếu kém của y tế cơ sở, Bộ Y tế đã xác định rõ phương hướng của ngành y và thực hiện tốt trong thời gian tới, theo đó y tế huyện, y tế xã phường là nền tảng, là xương sống, là người “gác cổng” giữ vai trò điều tiết trong hệ thống y tế, là nơi tiếp cận đầu tiên, toàn diện, hệ thống đối với sức khỏe của người dân, là nơi mà người dân được chăm sóc, dự phòng, nâng cao sức khỏe (khi chưa bị bệnh), phát hiện, quản lý, theo dõi và chăm sóc ban đầu với chi phí thấp nhất nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ cho nhân dân./.