CHÍNH SÁCH KẾT NỐI PHÁT TRIỂN VÙNG GIÚP KT-XH ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI CÓ SỰ TĂNG TRƯỞNG

15/08/2018

Sáng 14/8, trong buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đại diện một số bộ, ngành chỉ ra rằng, chính sách kết nối phát triển và thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất đã giúp vùng dân tộc thiểu số, miền núi có sự tăng trưởng đáng kể.

Đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư phát biểu ý kiến

Liên kết vùng giúp đồng bào dân tộc phát huy lợi thế về đất và rừng

Phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng nêu rõ, chủ trương liên kết vùng đã dần đi vào thực tiễn, cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý có nhiều thuận lợi cho các cấp, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả liên kết vùng. Cụ thể: liên kết vùng đã tạo lợi thế động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tễ xã hội của các vùng; từng bước nâng cao mức sống của dân cư; các vùng đã chủ động và từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh, điển hình là các dân tộc thiểu số, miền núi đã khai thác, phát huy lợi thế về đất và rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây công nghiệp, ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn; chăn nuôi gia súc gắn với công nghiệp chế biến; chú trọng phát triển du lịch sinh thái.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện chủ trương liên kết vùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 của vùng Tây bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tăng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016. Cơ cấu kinh tế cũng có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp; tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp tuy giảm nhưng bình quân các tỉnh thuộc vùng vẫn chiếm 50%. Nông, lâm nghiệp đã từng bước định hướng phát triển sản xuất như hàng hóa, tiếp cận thị trường với những sản phẩm nông nghiệp qua sơ chế như cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, thủy hải sản…

Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện một số bộ, ngành hữu quan cũng đánh giá các vùng đã có các hoạt động thiết thực, phối hợp cùng nhau trong phát triển kinh tế xã hội; phối hợp lập danh sách các dự án ưu tiên; thành lập các Tổ điều phối chuên đề cấp vùng. Ngoài ra, việc thúc đảy kết nối liên kết vùng cũng được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương đã bố trí ưu tiên hỗ trợ đầu tư các dự án lớn, trọng điểm có tính chất liên tỉnh, liên vùng, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế như: các dự án giao thông đầu mối, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga, các dự án thủy lợi.

Toàn cảnh buổi làm việc

Thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa bàn khó khăn

Về vấn đề này, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Trung nêu rõ, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh được thực hiện thông qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm rủi ro, chi phí, tăng mức độ an toàn và thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Những quy định mới tại Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo lập được chính sách ưu đãi hơn so với lĩnh vực khác để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư và trở thành hạt nhân cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tháo gỡ các khó khăn trong quá trình tham gia và triển khai dự án đầu tư.

Trao đổi về nội dung này, đại diện Ủy ban Dân tộc cho biết, liên quan đến địa bàn được ưu đãi đầu tư, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định danh mục các đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn thay thế Quyết định số 1049/QĐ-TTg.

Một số bộ, ngành hữu quan cũng chỉ rõ, các dự án được đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn được áp dụng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, sử dụng đất, thời hạn sử dụng của các dự án đầu tư. Tuy nhiên, có ý kiến đánh giá, việc thu hút đầu tư vào các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn chưa đạt được hiệu quả cao; Luật Đầu tư công còn nhiều yếu tố bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện. Ngoài ra, một số đại biểu cũng đánh giá, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn eo hẹp, để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cần có sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội; do đó đề nghị các bộ, ngành hữu quan tiếp tục rà soát các chính sách đã ban hành liên quan đến vấn đề này, tiến hành tổng kết đánh giá những kết quả đạt được để từ đó đi đến kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, đảm bảo đạt được cao nhất mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020./.

Hồ Hương