KHÔNG PHÂN BIỆT VỀ GIỚI TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI VÀ QUẢN LÝ CHĂN NUÔI

03/04/2018

Sáng ngày 03/4, trình bày báo cáo tại Tọa đàm chuyên gia về "lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự án Luật Chăn nuôi", Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Dương cho biết, Dự thảo Luật đã khảo sát và cho rằng không cần phân biệt về giới trong các hoạt động chăn nuôi và quản lý chăn nuôi.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương trình bày báo cáo tại tọa đàm 

Dự thảo Luật Chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng gồm 8 Chương, 67 Điều quy định về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và quản lý hoạt động chăn nuôi và một số vấn đề khác có liên quan. Dự thảo Luật đã dựng theo hướng đảm bảo cho các cá nhân có năng lực được tham gia và hưởng thụ các chính sách cuả nhà nước trong nghiên cứu, chọn, tạo giống vật nuôi; bình đẳng giới trong việc tham gia sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; đảm bảo các quyền và trách nhiệm giữa chủ thể nam và nữ trong việc trực tiếp chăn nuôi, trị bệnh cho vật nuôi. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo cho rằng: không cần phân biệt về giới trong các hoạt động chăn nuôi và quản lý chăn nuôi; trong Dự thảo Luật cũng không có một điều khoản riêng nào quy định về giới.

Thảo luận tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, việc có hay không sự phân biệt về giới trong các hoạt động chăn nuôi và quản lý chăn nuôi cần phải được cơ quan soạn thảo nghiên cứu một cách thấu đáo.  

Đi vào một số vấn đề cụ thể liên quan đến vấn đề thức ăn chăn nuôi, một số đại biểu cho rằng quy định của Dự thảo chưa quan tâm một cách kỹ lưỡng đến các tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất và mua bán thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt là tác hại của việc sử dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi có thể gây ra các hệ lụy như ung thư vú ở phụ nữ; trẻ em gái uống sữa từ vật nuôi sử dụng hormone sinh trưởng sẽ làm cho tuyến vú tăng trưởng nhanh không bình thường; tăng hiện tượng đồng tính….

Đại biểu tham dự tham gia thảo luận tại buổi Toạ đàm

Bên cạnh đó, về hoạt động chăn nuôi, Dự thảo Luật cũng chưa quy định chi tiết về việc hành nghề chăn nuôi; chăm sóc, y tế trong chăn nuôi. Thực tế đã chứng minh khi phụ nữ mang thai tiếp xúc với vật nuôi, nhất là vật nuôi không được tiêm phòng có thể chưa nhiều vi khuẩn và maamg bệnh, nguy cơ không an toàn cho mẹ và con là rất cao. Do đó, một số đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật nên nghiên cứu để có những quy định liên quan đến vấn đề này trong luật theo hướng ở những nơi chăn nuôi tập trung lao động nữ, trong thời kỳ mang thai những lao động này sẽ được chuyển làm công việc khác hoặc phải được đảm bảo an toàn bằng các trang thiết bị bảo hộ lao động cho phù hợp.

Đại biểu đưa ra một số giải pháp hoàn thiện Dự thảo Luật

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhận định, chăn nuôi có mối quan hệ rất chặt chẽ với môi trường sống của chính sơ sở gia đình chăn nuôi và những tổ chức cá nhân xung quanh, nếu không được quan tâm một cách có trách nhiệm thì tác hại từ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, nhất là người già, trẻ em và phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, các đại biểu đề nghị Dự thảo Luật cần quan tâm hơn nữa đến các quy định về quản lý chất thải; bổ sung các quy định về chăn nuôi sạch, an toàn, khuyến khích nghiên cứu khoa học tạo ra các sản phẩm hỗ trợ chăn nuôi, sử dụng đệm lót sinh học giảm ô nhiễm mùi trong chăn nuôi.

Xuất phát từ đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đối chiếu với mục tiêu và nguyên tắc bình đẳng giới, các đại biểu tham dự tọa đàm đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ, chỉnh lý các điều luật để đảm bảo bình đẳng giới một cách thực chất khi Luật có hiệu lực thi hành./.

Hồ Hương