Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiến hành họp phiên toàn thể lần thứ 2

07/10/2016

Ngày 7/10, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể lần thứ 2. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 7 đến ngày 8/10.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể lần thứ 2

Tham dự phiên họp còn có đại diện của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Lãnh đạo: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ… cùng các thành viên của Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

 Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và 2017 thuộc lĩnh vực Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý; Chương trình mục tiêu Quốc gia; tình hình thực hiện các dự án; Chương trình mục tiêu do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý hoặc thực hiện và dự kiến giai đoạn 2016- 2020. Đặc biệt, phiên họp cũng xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 về giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Đối với các nội dung liên quan đến Dự thảo Báo cáo hoạt động của Ủy ban từ kỳ hợp thứ nhất đến kỳ họp thứ 2 và dự kiến chương trình hoạt động năm 2017 cùng các nội dung làm việc tương tự đối với Bộ Y tế sẽ được Ủy ban thảo luận và cho ý kiến trong ngày làm việc thứ 2.

Nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2016, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, sự quan tâm của toàn xã hội, công tác quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường và duy trì tốt trên các lĩnh vực của ngành; nhiệm vụ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng; các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2016.

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nêu rõ, 03 chỉ tiêu Quốc hội giao cho Bộ gồm: Chỉ tiêu về giảm nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước tính đến cuối năm 2016 đều đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4%; tỷ lệ hộ nghèo cả nước xuống còn 8,42% và tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%, trong đó tỷ lệ có bằng, chứng chỉ chiềm 21%.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch ngành: trong 9 tháng đầu năm, tạo việc làm cho khoảng 1.195.049 người, đạt 88% kế hoạch, ước cả năm sẽ tạo việc làm được cho khoảng 1.614 nghìn người, đạt 100,8% kế hoạch. Đồng thời, Bộ cũng đã thực hiện kịp thời, đầy đủ, các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 2,7 triệu đối tượng bảo trợ xã hội; theo dõi bám sát tình hình thiệt hại do rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, và xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Bộ để tham mưu cho Chính phủ có giải pháp hỗ trợ kịp thời…

Ngoài ra, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phát động “Tháng hành động vì trẻ em năm 2016”, triển khai các chương trình thúc đẩy quyền trẻ em… Ước tính đến cuối năm 2016, 88% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.

Tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được trong thời gian qua. Các đại biểu cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, tình hình môi trường, xã hội trong nước có nhiều chuyển biến, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phải cố gắng và nỗ lực không nhỏ thì mới có thể đạt được những chỉ tiêu kế hoạch như trên, đáng khen ở một số lĩnh vực còn vượt chỉ tiêu được giao.

Lo ngại tỷ lệ thất nghiệp năm 2016

Theo Báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29%. Trong đó, khu vực thành thị là 3,23%, khu vực nông thôn là 1,82%. Theo ước tính của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2016, tỷ thất nghiệp cả nước chỉ còn 4% và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu băn khoăn với số liệu trên. Các đại biểu cho biết, qua giám sát thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, vấn đề giải quyết việc làm ở nước ta hiện nay thực sự đang gặp phải nhiều bất cập, khó khăn. Ví dụ, ngành than- một trong những ngành trụ cột chính để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng hiện nay lại đang đứng trước những thách thức, khó khăn lớn do tồn kho vì không tiêu thụ được. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có hàng ngàn lao động buộc phải nghỉ, thôi việc. Chưa kể đến, ngành dầu khí của nước ta cũng đang bắt đầu đứng trước nguy cơ phải đối mặt với nhiều thách thức như vậy.

Các đại biểu cũng chỉ ra, sau sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua, lao động trong ngành du lịch và nghề cá đã sụt giảm đi đáng kể, hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ đã không còn khách đến…

Do vậy, các đại biểu lo ngại, đến cuối năm 2016, tỷ thất nghiệp cả nước liệu có thể chạm được đến mức 4% như ước tính của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hay không? Các đại biểu đề nghị, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần phải xem xét lại số liệu này, yêu cầu Bộ khi đưa ra bất cứ số liệu nào trong báo cáo đều cần phải dựa trên cơ sở thực tế và cơ sở khoa học để đảm bảo độ tin cậy cho Báo cáo.

Đánh giá các giải pháp để đạt được chỉ tiêu còn chưa được chú trọng nhiều trong Báo cáo, các đại biểu đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần phải bổ sung nội dung về các giải pháp bên cạnh các chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2017 của mình.

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: Chìa khóa nhận diện hộ nghèo

Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 nêu rõ: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu (thu nhập bao gồm chuẩn mức sống tối thiểu và nghèo cùng cực) và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thực hiện Quyết định số 1614/QĐ- TTg ngày 15/9 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể "Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020", Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 59/2015/QĐ- TTg ngày 19/11/2015 về việc ban hành “Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều” áp dụng cho giai đoạn 2016- 2020.

Đánh giá về phương pháp đo lường mới này, các đại biểu cho biết, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là chìa khóa giúp nhận diện hộ nghèo toàn diện, cụ thể, rõ ràng và chính xác hơn, đáp ứng đa dạng hơn các nhu cầu xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng, đồng thời có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo. Bởi đo lường hộ nghèo đa chiều không chỉ dựa vào thu nhập mà còn căn cứ vào mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

 Ở nước ta, thời gian qua chuẩn nghèo, tỷ lệ nghèo và xác định đối tượng nghèo hoàn toàn dựa vào các tiêu chí thu nhập. Theo các đại biểu, tiêu chí đó hiện không còn phù hợp nữa, việc xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn, đúng theo yêu cầu của Nghị quyết 76/2014/QH13. Theo đó, từ năm 2016, chuẩn nghèo được xác định dựa trên nhiều tiêu chí- chuẩn nghèo đa chiều, gồm: thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và tiếp cận thông tin. Các đại biểu cho rằng, chuẩn nghèo đa chiều không chỉ tác động đến người nghèo mà còn là cơ sở để các cấp chính quyền xây dựng đề án giảm nghèo cho từng địa phương, khu vực...

Các đại biểu nhấn mạnh, chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo theo hướng đa chiều sẽ tạo điều chúng ta sẽ đánh giá được mức độ thay đổi các nhu cầu xã hội cơ bản của người dân tại từng địa phương. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ nhận thấy rõ hơn các khu vực có mức độ thiếu hụt cao, làm cơ sở xây dựng các chính sách vĩ mô, để từng bước giảm dần mức độ thiểu hụt giữa các vùng, nhóm dân cư. Ngoài ra, việc xác định mức độ thiếu hụt thông qua tiếp cận đo lường nghèo đa chiều sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch ngân sách thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội phù hợp hơn.

Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cả nước có 2.350.102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,92%; tổng số hộ nghèo trên địa bàn 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Quyết định 1791/QĐ-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là 371.990 hộ, chiếm tỷ lệ 50,43%; tổng số hộ nghèo trên địa bàn 30 huyện nghèo theo các Quyết định số 615/QĐ-TTg và Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 161.178 hộ, chiếm 38,92%.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổng hợp, giám sát, rà soát kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều; báo cáo số liệu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý hộ nghèo trực tuyến để chuyển giao cho các địa phương cập nhật dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực hợp lý cho giảm nghèo.

Tin và ảnh: Thu Phương