LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT DÂN SỐ

27/03/2018

Sáng 27/3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tọa đàm chuyên gia lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật dân số. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt chủ trì tọa đàm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt chủ trì buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm có đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Y tế, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Trình bày tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình Phạm Thanh Sơn, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Dự thảo luật dân số được bố cục với 07 chương và 38 điều quy định về quy mô dân số và kế hoạch hóa gia đình; cơ cấu dân số; phân bố dân số; chất lượng dân số; điều kiện đảm bảo thực hiện công tác dân số và trách nhiệm thi hành.

Đại diện cơ quan soạn thảo Phạm Thanh Sơn trình bày báo cáo

Cơ quan soạn thảo xác định, vấn đề dân số và phát triển với vấn đề bình đẳng giới là hai vấn đề song hành có những tác động qua lại lẫn nhau trong xu thế phát triển. Dân số ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc là một mục tiêu của phát triển dân số; bình đẳng giới góp phần đảm bảo con người phát triển công bằng, phát huy vai trò của mỗi giới trong sự phát triển của gia đình và đất nước. Dân số tác động đến bình đẳng giới là dân số phát triển ổn định về quy mô, cơ cấu, phân bổ…cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, trong quá trình soạn thảo Luật dân số, Bộ Y tế đã tiến hành rà soát vấn đề bình đẳng giới. Kết quả rà soát cho thấy, Dự án không có vấn đề về bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới; không phân biệt nam, nữ thể hiện đúng nguyên tắc bình đẳng giới theo tinh thần Hiến pháp 2013.

Đại biểu tham dự tọa đàm phát biểu ý kiến

Thảo luận tại buổi tọa đàm, các đại biểu đánh giá Dự thảo luật dân số lần này được chuẩn bị tương đối chi tiết, quy định khá toàn diện các vấn đề liên quan tới công tác dân số, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội và tinh thần chỉ đạo của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số khía cạnh cần được cụ thể và sâu sắc hơn như vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mối quan hệ dân số với phát triển kinh tế, phân bố lao động… Ngoài ra một số đại biểu cũng nhận định, các quy định trong Dự thảo luật còn chung chung, thiếu các chế tài xử phạt xử lý vi phạm pháp luật về dân số; chưa có quy định khả thi về biện pháp ưu tiên, chính sách đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong sử dụng các dịch vụ dân số.

Các đại biểu đề nghị, Dự thảo luật cần có những quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi về vấn đề các hành vi bị nghiêm cấm; quy định về phá thai; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát bệnh, tật bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số; tuyên truyền, vận động, phổ biến, tư vấn về dân số./.

 

Hồ Hương