HỘI THẢO XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHÍNH SÁCH VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

21/07/2017

Sáng 21/7, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức hội thảo Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, một số vị đại biểu Quốc hội, đại diện Ban Dân vận Trung ương, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện các bộ ngành như: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và đào đạo, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Ủy ban dân tộc... cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu có quan tâm đến lĩnh vực giới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, thúc đẩy bình đẳng giới và tạo điều kiện để phụ nữ phát triển là quan điểm xuyên suốt của Đảng từ ngày thành lập tới nay. Chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện trong nhiều Nghị quyết Đại hội Đảng, trong các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ chính trị và Ban bí thư. Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X ra đời là Nghị quyết đặc biệt quan trọng về công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với công tác phụ nữ trong thời kỳ mới. Qua mười năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11, vấn đề bình đẳng giới và công tác phụ nữ đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về giới, bình đẳng giới, về phụ nữ và công tác phụ nữ... Hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới liên tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội…

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì hội thảo

Hệ thống pháp luật về bình đẳng giới đã được hoàn thiện cơ bản

Thay mặt Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình bày Dự thảo báo cáo chuyên đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt cho biết, hệ thống pháp luật về bình đẳng giới đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Cụ thể, Hiếp pháp 2013 kế thừa và tiếp tục ghi nhận quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử cũng như quy định chính sách của Nhà nước trong việc đảm bảo điều kiện để phụ nữ phát triển. Tiếp đó, Luật bình đẳng giới 2006 ra đời là trung tâm của hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Luật đã cụ thể hóa và hệ thống hóa các quy định về bình đẳng nam , nữ trong các văn bản của nhà nước ta, đồng thời thể chế hóa Công ước CEDAW- điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Sau đó, năm 2011, Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia đã được ban hành. Bộ chỉ tiêu gồm 105 chỉ tiêu trong 11 lĩnh vực được phân công cho các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội thu thập và thống kê. Năm 2014, Thủ tướng chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành đã tiếp tục hoàn thiện và hệ thống hóa công tác trên. Bên cạnh đó, vấn đề bình đẳng giới đã được Ủy ban thẩm tra lồng ghép đối với 63 luật, 03 pháp lệnh và 03 nghị quyết. Trong đó có các đạo luật tiêu biểu như: Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật việc làm, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân...

Dự thảo Báo cáo cũng cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vấn đề bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do nhận thức về bình đẳng giới trong một số bộ phận nhân dân và cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức còn hạn chế, định kiến giới còn tồn tại. Cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác phụ nữ cũng như lĩnh vực bình đẳng giới. Một số bộ, ngành địa phương chưa coi trọng việc bố trí nguồn lực cả về con người và ngân sách cho công tác này. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới và cán bộ hoạch định chính sách trong các cơ quan, bộ ngành còn thiếu kiến thức và kỹ năng phân tích giới, lồng ghép giới. Tuổi nghỉ hưu, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo của nam và nữ còn có sự cách biệt; nguồn quy hoạch cán bộ nữ còn hạn chế. Thiếu các quy định bảo vệ lao động nữ làm việc trong khu vực phi chính thức. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, ngại phấn đấu, chưa vượt khó vươn lên làm ảnh hưởng dến việc học tập và nâng cao trình độ của bản thân.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Tại hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện chức năng thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đánh giá lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội, chú trọng việc hoàn thiện thể chế cho công tác này. Cụ thể: Bộ Tư pháp đã xây dựng Quyết định số 1048/QĐ-BTP ngày 08/4/2010 về thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định về việc lồng ghép vấn đề giới trong quá trình thẩm định văn bản; Quyết định số 1598/QĐ-BTP ngày 8/7/2014 về thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thay thế Quyết định số 1048/QĐ-BTP. Theo đó, việc xem xét nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới là một trong những nội dung bắt buộc của thẩm định (khoản 1 Điều 16 Quyết định số 1598/QĐ-BTP). Thông tư số 17/2014/TT-BTP ngày 13/8/2014 của Bộ Tư pháp quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó thành phần của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Hội đồng thẩm định phải đảm bảo tỷ lệ về giới, có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực bình đẳng giới và công tác phụ nữ như Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia nghiên cứu về giới. 

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, trong thời gian vừa qua hầu hết các Bộ ngành chủ trì soạn thảo đã xem xét vấn đề lồng ghép giới nhưng nội dung lồng ghép vấn đề giới trong dự thảo chưa sâu sắc, chưa thực sự được quan tâm. Hầu hết các hồ sơ của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đều cho rằng các nội dung được quy định trong dự án, dự thảo văn bản là trung tính, quy định như nhau đối với cả giới nam và nữ, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ, do đó, không có nguy cơ gây bất bình đẳng giới; trong quá trình soạn thảo chưa thực sự tuân thủ nghiêm về quy trình, thủ tục lồng ghép giới cũng như phân tích giới một cách sâu sắc trong quá trình soạn thảo.

Các đại biểu cho rằng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã đặt ra một quy trình mới, với những yêu cầu nghiêm ngặt đối với quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, đã tách bạch giữa giai đoạn đề xuất chính sách và giai đoạn soạn thảo. Các cơ quan đề xuất xây dựng chính sách do năm đầu tiên thực hiện không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, lúng túng, các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh mặc đủ đủ hồ sơ, thực hiện đúng quy trình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng việc đánh giá tác động chính sách nói chung trong đó có tác động xã hội và tác động giới nói riêng còn sơ sài, chưa tiếp cận được yêu cầu chất lượng của hồ sơ lập đề nghị theo quy định của luật.

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển toàn diện

Quan tâm đến vấn đề bảo đảm sự phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu nhận định, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, được cụ thể bằng các chính sách, chương trình, dự án ưu tiên phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi đã có những thay đổi căn bản và rõ nét. Đời sống của đồng bào được cải thiện và nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm; y tế văn hóa, giáo dục không ngừng được phát triển; tình hình an ninh, trật tự được duy trì ổn định. Dù vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nỗ lực giảm khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với vùng đồng bằng gặp nhiều thách thức. Vùng dân tộc thiểu số vẫn có tỷ lệ nghèo cao gấp gần 5 lần so với mức trung bình cả nước; khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng; trình độ dân trí thấp; văn hóa truyền thống của một số dân tộc bị mai một dần; có nơi tình trạng tội phạm và các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa ổn định xã hội.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo

Bình đẳng giới là một trong những vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập ở vùng dân tộc thiểu số, mặc dù đây là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam được Liên Hợp quốc đánh giá cao thời gian gần đây. Thực tế cho thấy, tại vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ là đối tượng bị yếu thế hơn trong gia đình, cộng đồng, xã hội, họ đang gặp phải rất nhiều rào cản từ chính điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống của mình, dẫn đến cơ hội tiếp cận với các quyền lợi, điều kiện sống tốt hơn bị hạn chế. Phụ nữ dân tộc thiểu số phải đối mặt với nguy cơ bị phân biệt đối xử kép cả về dân tộc và về giới.

Từ nhận định trên, các đại biểu cho rằng, cần xây dựng và ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, cải thiện những hạn chế của bản thân phụ nữ trong một số mảng chủ yếu như: kinh tế - sản xuất; nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật; đào tạo nghề - tạo việc làm; đào tạo kỹ năng sống; kỹ năng lập kế hoạch, đào tạo nâng cao năng lực tham chính… các chính sách cần phù hợp và khả thi đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Đồng thời, Ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; Sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho vay vốn, tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất dựa trên khả năng và năng lực tổ chức sản xuất; Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc hỗ trợ, đại diện cho tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số nhất là tại cấp cơ sở; Thực hiện tốt công tác lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện chính sách ở vùng dân tộc thiểu số, đảm bảo sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ được ghi nhận.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện nghị quyết X về công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, đây là thời điểm thích hợp để tổng kết, đánh giá lại, làm rõ các ưu điểm cũng như hạn chế, tìm các nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm để kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Ủy ban Về các vấn đề xã hội trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu tham dự hội thảo, những đóng góp quý báu này sẽ giúp ủy ban chuẩn bị kỹ càng hơn, hoàn thiện hơn Báo cáo chuyên đề nội dung xây dựng, hoàn thiện và thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh hi vọng, các đại biểu sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Hồ Hương