HỘI NGHỊ THAM VẤN Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI) TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

24/07/2019

Sáng ngày 23/7, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là Bộ luật quan trọng, điều chỉnh một lực lượng lao động rất rộng lớn. Theo kết quả điều tra sơ bộ tháng 4/2019, tổng lực lượng lao động của nước ta khoảng 55 triệu người và lực lượng lao động đang trong quan hệ lao động mà đã tham gia bảo hiểm xã hội là 14,7 triệu người; khoảng 9 triệu người có quan hệ tiền lương, thu nhập hoặc cũng có quan hệ lao động theo các hình thức về tiền lương, tiền công và có sự điều khiển của chủ sử dụng lao động. Như vậy Luật mới chỉ điều chỉnh được khoảng 24 triệu lao động, còn khoảng 33-35 triệu lao động chưa thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Do đó, sửa đổi Bộ luật Lao động lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ, việc sửa đổi phải đảm bảo 3 mục tiêu lớn: Thứ nhất, phải sửa đổi để đảm bảo quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về vấn đề quyền, nghĩa vụ của người lao động và điều chỉnh quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện nay; Bộ luật phải thể hiện được tư tưởng, quan điểm của Hiến pháp về quyền của con người, quyền được làm việc, quyền lựa chọn việc làm, quyền được hưởng thụ và quyền được bảo đảm các cơ hội bình đẳng.

Thứ hai, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có 02 hiệp định hết sức quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới lực lượng lao động là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực thi hành từ đầu năm nay và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu. Nếu theo 02 Hiệp định này, thì tốc độ tăng trưởng GDP của chúng ta tăng lên khoảng 3-4% và Hiệp định CPTPP giải quyết được 25-30 nghìn lao động, còn Hiệp định VN-EU giải quyết khoảng 7,5-8 nghìn lao động. Ngoài ra, Việt Nam đã ký rất nhiều các hiệp định thương mại tự do với các nước. Để hội nhập sâu và rộng vào thị trường quốc tế thì một trọng những đòi hỏi là Bộ luật Lao động của chúng ta phải thích ứng với các tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động, mà ta đã ký kết tham gia các tiêu chuẩn lao động và công ước quốc tế. Đó chính là yêu cầu sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi) để đáp ứng với yêu cầu hội nhập.

Thứ ba, việc sửa đổi sẽ khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai Bộ luật Lao động năm 2012 là Bộ luật được ban hành trước khi sửa đổi Hiến pháp 2013, các vấn đề liên quan đến quyền lao động, quyền con người và các bình đẳng về cơ hội cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự tập trung thảo luận vào một số nhóm vấn đề: phạm vi, đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động; các tiêu chuẩn lao động sửa đổi trong Bộ luật Lao động; quan hệ lao động được sửa đổi; quản lý nhà nước về lao động… Theo đó các đại biểu đã đưa ra các ý kiến xung quanh vấn đề về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, áp dụng của Bộ luật này, hiện nay Chính phủ đang trình với xu hướng là điều chỉnh chủ yếu là lực lượng lao động trong quan hệ lao động, tuy nhiên các đại biểu cho rằng cần phải tính đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả nhóm đối tượng không có quan hệ lao động. 

Về các tiêu chuẩn lao động, một số đại biểu cho rằng, tiền lương sẽ được thay đổi dựa trên sự đảm bảo mức sống tối thiểu, mức sống này được thay đổi hàng năm dựa trên 5 yếu tố: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; Tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến của người lao động trên thị trường; Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; Quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; Khả năng chi trả của doanh nghiệp. Tiền lương này sẽ được tính theo giờ để vận dụng ,làm căn cứ áp dụng cho khu vực không có quan hệ lao động.

Đối với vấn đề liên quan đến thời giờ làm việc của khu vực công (40 giờ/tuần) với khu vực sản xuất, kinh doanh (48 giờ/tuần), có nhiều ý kiến đặt ra rằng tại sao chúng ta không thu hẹp khoảng cách về thời gian làm việc của 02 khu vực này; Có ý kiến đề xuất giảm thời gian làm việc của khu vực sản xuất, kinh doanh xuống 44 giờ/tuần và thỏa thuận là 40 giờ. Đặc biệt khi làm thêm giờ dứt khoát là dù ngành nghề nào, lĩnh vực nào thì tiền làm thêm giờ sẽ được tính theo phương pháp lũy tiến; xử lý các vấn đề như nghỉ giữa giờ, thời gian cho con bú hay phải đảm bảo các chế độ, quyền lợi của lao động nữ khi mang thai trong việc cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng...

Ngoài ra, đối với vấn đề đình công, một số đại biểu chỉ ra rằng có rất nhiều cuộc đình công diễn ra, nhưng không có cuộc đình công nào diễn ra đúng pháp luật, do đó phải lựa chọn phương án để nếu có đình công, thì sẽ diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục. Theo đại biểu, trong quá trình thương lượng về các điều kiện có lợi hơn cho người lao động hoặc những vấn đề chủ sử dụng lao động đặt ra, nếu hai bên không đồng ý thì người lao động có thể đình công.

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của các đại biểu tham dự. Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nêu rõ, sau buổi tham vấn, Ủy ban sẽ có các cuộc làm việc với các chuyên gia, giữa 4 cơ quan; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đến các đoàn Đại biểu Quốc hội để tiếp tục triển khai lấy ý kiến tất cả các tầng lớp nhân dân có liên quan./.

Hồ Hương