ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)

27/08/2020

Sáng 27/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

 

 Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh/thành phố; đại diện Lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…và một số Bộ, ngành hữu quan.

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc- đại diện Ban soạn thảo, cho biết việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực; Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn như: Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập; Một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Do đó, xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Về mục đích xây dựng Luật, đại diện Ban soạn thảo cũng cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt, chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Đồng thời, nâng cao nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy, củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy. Quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm lậu vào trong nước, kiên quyết không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các đại biểu tham dự chỉ ra rằng đây là Dự án Luật có phạm vi sửa đổi toàn diện, có tính chất nhạy cảm xã hội cao, phạm vi tác động xã hội rộng lớn, trực tiếp liên quan đến vấn đề quyền con người và nhiều nghĩa vụ, trách nhiệm khác nhau; nhiều nội dung chính sách cần được đánh giá tác động phù hợp và tham vấn sâu rộng đối với các đối tượng chịu sự tác động, cần có sự thống nhất đối quan điểm với các cơ quan quản lý nhà nước.  

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho ý kiến tại phiên họp.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban chỉ ra rằng, một số một dung đề nghị sửa đổi chưa được đánh giá tác động một các đầy đủ, chưa thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về công tác phòng, chống ma túy theo tình hình mới. Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động, tổ chức lấy ý kiến cụ thể ở các Bộ, ngành liên quan để đảm bảo các chính sách hoàn toàn khả thi.

Đối với việc quy định các biện pháp cai nghiện bắt buộc, một số ý kiến cho rằng đây là vấn đề được điều chỉnh cả trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Việc quy định như Dự luật là thống nhất với Luật có liên quan, tuy nhiên cần phải bổ sung một số quy định trong luật Phòng chống ma túy cho rõ ràng hơn, đồng bộ hơn. Đồng thời áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thì sẽ liên quan chặt chẽ đối với quyền con người cho nên cần quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về vấn đề một số nội dung có liên quan.

GS. Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động, tổ chức lấy ý kiến cụ thể ở các Bộ, ngành liên quan để đảm bảo các chính sách hoàn toàn khả thi.

Về chế tài xử lý vi phạm, có ý kiến chỉ rõ, Dự luật đưa ra rất nhiều điều khoản quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân người nghiện ma túy, đề nghị cần quy định cụ thể hóa trách nhiệm của mỗi cơ quan tương ứng, tánh tình trạng vừa dàn trải nhưng cũng lại không đầy đủ.

Về vấn đề nguồn tài chính, một số ý kiến đánh giá, Dự luật đưa ra nhiều chính sách mới, thậm chí có Chương mới, nhiều quy định về đảm bảo nguồn tài chính của nhà nước, kinh phí xét nghiệm… Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện những nội dung này thì nguồn lực sẽ như thế nào, điều kiện, đảm bảo thực thi các chính sách này ra sao lại chưa được làm rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận phiên họp.

Kết luận một số nội dung tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến góp ý xác đáng, sâu sắc của các đại biểu tham dự. Đối với một số nội dung cần thiết sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh đề nghị cần có sự hợp tác, nghiên cứu, sớm có sự thống nhất giữa các cơ quan để tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi cao khi đi vào cuộc sống./.

Hồ Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác