Quang cảnh Hội nghị
Các đồng chí: Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn; Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội và Lò Thị Việt Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và Tp.Bắc Kạn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều nhất trí về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đồng thời đóng góp thảo luận liên quan đến đối tượng người bị bạo lực gia đình, đối tượng được quy định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, tại Điều 3, về hành vi bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng, căn cứ vào Luật Hôn nhân và gia đình thì quan hệ hôn nhân đã chấm dứt, không còn là thành viên gia đình. Nếu có hành vi tương tự bạo lực gia đình thì đã phạm vào quy định pháp luật hành chính hoặc pháp luật hình sự, vì vậy nên chọn phương án 2, bỏ “thành viên gia đình của vợ chồng đã ly hôn”. Tại Điều 11 về trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đề nghị sửa cụm từ “phối hợp” bằng cụm từ “thông báo” (Thông báo với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình).
Đại biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị
Đối với các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ trong phòng, chống bạo lực gia đình, tại Điều 19, cần bổ sung thêm cụm từ “nguồn tin” thì mới đủ (Báo tin, nguồn tin tố giác về bạo lực gia đình). Tại Khoản 2 Điều 19 cần bổ sung cụm từ “tố giác” (Hình thức báo tin, tố giác về vụ việc bạo lực gia đình); bổ sung thêm nội dung: Nguồn tin về bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội, qua dư luận xã hội.
Về xử lý tin báo, tố giác vụ việc bạo lực gia đình (Điều 20), tại Khoản 1 cần bổ sung thêm cụm từ “hoặc nguồn tin”, “xác minh”. Về cung cấp âm thanh, hình ảnh để xác định vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 21), tại Khoản 1 cần bổ sung thêm cụm từ “và nghĩa vụ, trách nhiệm” (Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình có quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền âm thanh, hình ảnh làm chứng cứ xử lý người có hành vi bạo lực gia đình)...
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba. Thông qua Hội nghị lấy ý kiến này là cơ sở để Ủy ban Xã hội thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tư.