Băn khoăn về chính sách, pháp luật đưa người đi cai nghiện bắt buộc

29/09/2014

Sáng 27/9, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nghe giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng dự phiên giải trình. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là công tác quản lý người nghiện tại các trung tâm.

Tính đến tháng 8/2014, cả nước có 185.000  người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; số người nghiện ma túy tăng qua các năm, nhưng tốc độ tăng chậm, trong đó số người nghiện heroin chiếm 74%. Gần 90% các quận, huyện của các tỉnh, thành phố và 60% số xã, phường, thị trấn đều đã có người nghiện ma túy. Hiện, cả nước có 142 trung tâm quản lý và cai nghiện cho 32.000 người. Hầu hết các học viên đều phải chấp hành cai nghiện đủ 24 tháng tại trung tâm. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cũng gặp nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn lực, kinh phí; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương chưa chặt chẽ; Công an tỉnh, thành phố chưa hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Sở Tư pháp chưa hướng dẫn thẩm tra hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Điều trị cho người nghiện ma túy ở một trung tâm cai nghiện bắt buộc

Tại phiên thảo luận, các đại biểu băn khoăn về việc nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc trị nghiện ma túy; việc triển khai Chương trình điều trị thay thế nghiện bằng Methadone. Đối với một số loại thuốc chứa các tiền chất gây nghiện thì cách quản lý như thế nào để tránh lợi dụng, lạm dụng? Quan tâm đến vấn đề quản lý người cai nghiện tại các Trung tâm, bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu ý kiến: “Thời gian gần đây, các đối tượng sau cai nghiện phản ứng rất mạnh. Đối tượng nào, đặc điểm gì mới phải quản lý sau cai, hay tất cả các đối tượng cai nghiện bắt buộc, sau đó đều phải được vào Trung tâm tôi muốn nói đến quyền con người bị hạn chế do pháp luật hay không? Giải pháp nào khi chương trình tài trợ của các tổ chức quốc tế bị cắt giảm?”.

Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về trình tự thủ tục đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Ông Nguyễn Thanh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nêu ý kiến:  “Với hệ thống văn bản pháp luật, sở dĩ hiện nay các địa phương chưa thực hiện được đưa người cai nghiện bắt buộc về các trung tâm do còn thiếu một số văn bản của các bộ ngành chưa ban hành do chậm hay do đâu? Hay chúng ta chưa dự đoán được những vướng mắc trong quá trình thực hiện”.

 Trả lời câu hỏi của  các đại biểu về  quan điểm coi nghiện ma túy là bệnh chứ không phải là tệ nạn, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Bộ Lao động phối hợp với các bộ xây dựng Chính phủ và đã được ban hành đổi mới công tác cai nghiện trong đó cũng khẳng định rõ quan điểm phải coi là bệnh và đã coi là bệnh, chủ yếu khuyến khích họ tự nguyện chữa bệnh, phần lớn là cai ở gia đình. Đưa vào trung tâm cai nghiện chỉ khi họ làm mất trật tự an toàn xã hội. chúng ta vẫn tiếp tục mở rộng xã hội hóa công tác cai nghiện”./.

(Theo VOV)