Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đa số các ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân, bảo đảm thực hiện tốt sự bao phủ của các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội hiện hành tới tất các các đối tượng, người dân trong xã hội để duy trì sự ổn định trong đời sống kinh tế - xã hội.
Sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, các vấn đề mà cử tri quan tâm được đại biểu kiến nghị đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu, xử lý với 7 nhiệm vụ chính. Cho đến nay, 6/7 nhiệm vụ đã hoàn thành. Tiêu biểu là việc đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tính đến hết tháng 3/2022, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 80 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ hơn 728 nghìn lượt người sử dụng lao động và gần 49,15 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Đặng Thuần Phong
Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đối với các đối tượng rõ ràng nằm trong điều kiện là hỗ trợ bằng tiền mặt thì hỗ trợ rất nhanh. Còn các chính sách như hỗ trợ cho vay hoặc hỗ trợ có điều kiện … thì số tiếp cận vẫn chưa đạt như mong muốn.
Các đại biểu nghị cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hộ sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn hỗ trợ về chính sách. Với nhiều nỗ lực, giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2021, tính đến 31/01/2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2021 nguồn vốn ngân sách nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đạt trên 81% kế hoạch vốn đã phân bổ. Nhưng 4 tháng đầu năm 2022 thì chỉ giải ngân đạt khoảng 6%. Đây cũng là nội dung nhiều đại biểu quan tâm.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Hồng Yến – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thông qua việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công cũng là nguồn lực hết sức quan trọng để hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng năm 2022. Đến thời điểm hiện nay đã hết quý I, bước sang quý II, nếu tiến độ đầu tư công mà không đáp ứng được yêu cầu thì cũng khó đạt được mục tiêu tổng thể của nền kinh tế.
Tại buổi làm việc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Ủy ban Xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia theo tờ trình 134 của Chính phủ; Bổ sung 700 tỷ đồng vốn sự nghiệp năm 2022 để thực hiện tiểu dự án “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo”; Bổ sung 600 tỷ đồng vốn đầu tư năm 2023 để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện cho các cơ sở cai nghiện ma túy nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện quy định của Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các Nghị định của Chính phủ./.