Hội thảo “Một số vấn đề lý luận về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo”
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Hành chính trị Quốc gia,..
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Lê Hải Đường nêu rõ, hoạt động từ thiện nhân đạo được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã góp phần phát huy bản chất tốt đẹp và văn hóa dân tộc Việt Nam với chủ trương “lá lành đùm lá rách” trong xã hội. Mặc dù hoạt động từ thiện đóng vai trò quan trọng trong xã hội nhưng vì chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, cần thiết nên thực tế đã dẫn đến một số bất cập, hạn chế trong triển khai, làm cho một số hoạt động từ thiện bị bóp méo, lợi dụng, không đúng ý nghĩa, mục đích ban đầu,…
Nhấn mạnh hiện nay chưa có văn bản pháp lý chuyên biệt nào điều chỉnh hoạt động này, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nhân đạo còn rất mờ nhạt, chưa rõ ràng, chồng chéo,… TS.Lê Hải Đường cho rằng việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết.
Tại hội thảo các chuyên gia tập trung làm rõ cơ sở lý luận, quan điểm về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hoạt dộng từ thiện nhân đạo; hệ thống hóa các quy định pháp luật, xác định bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành và thực tiễn tổ chức và hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã phân tích làm rõ thực trạng quy định của pháp luật về hoạt động từ thiện nhân đạo trong các văn bản pháp luật hiện nay; quy định pháp luật về từ thiện nhân đạo ở một số quốc gia.
Qua thảo luận, đa số ý kiến chuyên gia thống nhất sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo. Theo TS.Bùi Thị Ngọc Mai - Học viện Hành chính Quốc gia, pháp luật về từ thiện nhân đạo có vai trò rất quan trọng đối với các chủ thể trong hệ thống chính trị nhằm điều tiết hoạt động từ thiện nhân đạo đúng hướng, hiệu lực,hiệu quả; đồng thời, có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của lĩnh vực từ thiện nhân đạo nhằm taoj ra nhiều giá trị tốt đẹp, nhân văn cho xã hội và con người. Do đó, hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo là vấn đề cấp thiết.
Đồng quan điểm, TS.Phạm Thị Tính - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra trong hoạt động từ thiện và nhiều vấn đề khác làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của hoạt động từ thiện cũng như lợi ích của những người làm từ thiện và nhận từ thiện, nhà nước cần phải có những quy định để quản lý và bảo vệ hoạt động này bằng các thiết chế chặt chẽ để bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động từ thiện.
Chia sẻ góc nhìn khác, TS.Bùi Thị Thanh Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, các quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, anh, Trung Quốc,… đã ban hành pháp luật về từ thiện với những tên gọi khác nhau như Luật Các tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ, Luật Từ thiện (Charities Act 2011) của Anh, Luật Từ thiện của Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc… “Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật về từ thiện nhân đạo chưa được pháp điển hóa mà mới chỉ rải rác trong các văn bản pháp lý có hiệu lực khác nhau. Vì vậy, rất cần thiết có một văn bản pháp lý thống nhất tầm luật hoặc pháp lệnh để điều chỉnh một lĩnh vực xã hội khá phức tạp và nhạy cảm này”, TS.Bùi Thị Thanh Thúy nhấn mạnh.
Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia đưa ra các kiến nghị cụ thể liên quan đến những nội dung cơ bản cần điều chỉnh trong pháp luật về từ thiện; về điều kiện để các chủ thể được làm từ thiện nhân đạo; trách nhiệm của nhà nước trong quản lý thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo; tiêu chí của pháp luật về từ thiện nhân đạo;…
Kết luận hội thảo, TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Theo TS.Lê Hải Đường, đây là nội dung có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi có sự nghiên cứu thấu đáo, tham khảo kinh nghiệm các nước cũng như nhận diện đầy đủ các bất cập từ thực tiễn thời gian qua để có đề xuất sát thực.
TS.Lê Hải Đường cũng cho biết, tại buổi hội thảo diễn ra vào ngày mai (30/9), nội dung về thực trạng pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam sẽ tiếp tục được bàn thảo sâu làm cơ sở, thông tin tham khảo quan trọng phục vụ cho việc triển khai và hoàn thiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam” do Ths.NCS Đỗ Ngọc Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp làm Chủ nhiệm đề tài./.