TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

09/09/2022

Chiều ngày 9/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)”. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn đồng chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)”

Tham dự tọa đàm có các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean; Hội luật gia Việt Nam; Đại học Luật Hà Nội; Trung tâm trọng tài quốc tế Hà Nội; Học viện Chính sách và Phát triển; Viện Phát triển Công nghệ tài chính;… cùng đại diện một số cơ quan liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)” là một hoạt động nghiên cứu khoa học quan trọng, được tổ chức bởi cơ quan quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Viện Nghiên cứu lập pháp nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 và phục vụ đại biểu Quốc hội cho ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua gồm: (1)Nhóm các quy định về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; (2) Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; (3) Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; (4) Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy hoạt động đấu thầu mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, sản xuất trong nước; tạo công ăn việc làm cho nhóm yếu thế, mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững; (5) Nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Tại Tọa đàm các đại biểu tập trung cho ý kiến về  trách nhiệm của các bên trong hoạt động đấu thầu; phương pháp đánh giá thầu và quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về đấu thầu qua mạng, mua sắm tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm dịch vụ trong trường hợp đặc biệt; về kiểm tra, giám sát và giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu;…

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam góp ý tại tọa đàm

Qua thảo luận, các đại biểu nhận định, qua gần 10 năm ban hành Luật Đấu thầu, Việt Nam đã có những bước đi dài, hoạt động đấu thầu đã mang lại những lợi ích rõ rệt.Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhiều yếu tố mới phát sinh trong nền kinh tế, việc đánh giá lại Luật Đấu thầu 2013 và nghiên cứu, sửa dổi, ban hành Luật Đấu thầu mới là cần thiết.

Theo ý kiến các chuyên gia, dự thảo lần 3 Luật Đấu thầu (sửa đổi) so với phiên bản dự thảo lấy ý kiến rộng rãi, đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, cụ thể, rõ ràng, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan. Điều này cho thấy tinh thần cầu thị và minh bạch từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo.Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần được làm rõ, sửa đổi để hoàn thiện hơn.

Tán thành việc bổ sung các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mới,TS. Luật sư Lê Minh Phiếu cho rằng, các hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định chi tiết hơn so với quy định pháp luật hiện hành, trong đó nổi bật là điều khoản về hình thức “chỉ định thầu”.

Tuy nhiên, TS. Luật sư Lê Minh Phiếu lưu ý, để tránh tình trạng xung đột lợi ích, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Khoản 4, Điều 23 dự thảo có thể được sửa đổi theo hướng yêu cầu nhà thầu được chỉ định thầu vẫn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 6 Dự thảo này.

Góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật và Hòa giải Phan Lâm - Viện nghiên cứu pháp luật và kinh tế Asean cho rằng, dự thảo có quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, tuy nhiên hoạt động này do người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện (khoản 3 Điều 86) mà không có sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo bổ sung quy định về ưu đãi đấu thầu trong mua sắm các sản phẩm thân thiện với môi trường, xem xét quy định về năng lực kinh nghiệm để nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể đáp ứng;…

Cho rằng thiết kế của dự thảo có khá nhiều Điều được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, như tại Chương 1, với 21 điều, nhưng đã có đến 8 điều được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, các đại biểu lưu ý, so sánh với các Luật khác, tỷ lệ này khá lớn;…/.

 

 

Lan Anh

Các bài viết khác