QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN NHÂN ĐẠO CÒN TẢN MẠN, CHỒNG CHÉO

30/06/2022

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Thực trạng pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”. TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia, Viện Nhà nước pháp luật - Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội chữ thập đỏ Việt Nam,..

Phát biểu tại hội thảo, TS.Lê Hải Đường nêu rõ, hoạt động từ thiện nhân đạo được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã góp phần phát huy bản chất tốt đẹp và văn hóa dân tộc Việt Nam với chủ trương “lá lành đùm lá rách” trong xã hội.

TS.Lê Hải Đường cho biết, hoạt động từ thiện đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Tuy vậy, vì chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, cần thiết nên thực tế đã dẫn đến một số bất cập, hạn chế trong triển khai, làm cho một số hoạt động từ thiện bị bóp méo, lợi dụng, không đúng ý nghĩa, mục đích ban đầu,…

Nhấn mạnh hiện nay chưa có văn bản pháp lý chuyên biệt nào điều chỉnh hoạt động này, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nhân đạo còn rất mờ nhạt, chưa rõ ràng, chồng chéo,… TS.Lê Hải Đường cho rằng, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết.

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Thiếu khung pháp lý điểu chỉnh

Tại hội thảo các chuyên gia tập trung làm rõ thực trạng quy định của pháp luật về hoạt động từ thiện nhân đạo trong các văn bản pháp luật hiện nay; quy định pháp luật về từ thiện nhân đạo ở một số quốc gia; Phân tích, hệ thống hóa các quy định pháp luật, xác định bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành và thực tiễn tổ chức và hoạt động từ thiện .

Qua thảo luận, đa số ý kiến chuyên gia cho rằng, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo nói chung hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện. Thực trạng này làm hạn chế hiệu quả của hoạt động từ thiện, đồng thời có thể trở thành nguy cơ cho những sai phạm có thể xảy ra. Việc thiếu khung pháp lý về hoạt động từ thiện cũng gây ra những khó khăn trong việc xử lý các hành vi trái pháp luật.

Theo ThS.Nguyễn Thị Yến - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, pháp luật về lĩnh vực từ thiện nhân đạo được hình thành, phát triển và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo nói chung hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện. Do đó, việc tìm kiếm được các chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm là rất khó khăn.

“Hoạt động từ thiện nhân đạo được điều chỉnh bằng cả pháp luật trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Trên thực tế, giữa hai bên đại diện - Ủy quyền không có hợp đồng bằng văn bản quy định các điều khoản về quyền hạn, nghĩa vụ cụ thể nhưng thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ vẫn được xác nhận, dựa trên uy tín của người nhận quyên góp và sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Việc xác định pháp luật điều chỉnh được căn cứ vào đối tượng tham gia, tính chất của hoạt động từ thiện nhân đạo và phạm vi tác động của hoạt động từ thiện nhân đạo.”, ThS. Nguyễn Thị Yến cho biết.

TS Bùi Thị Thanh Thuý - Trưởng bộ môn Thanh tra Khoa Nhà nước - Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS.Bùi Thị Thanh Thuý - Trưởng bộ môn Thanh tra Khoa Nhà nước - Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, trong những năm gần đây, hoạt động kêu gọi, vận động quyên góp tiền, tài sản để tổ chức từ thiện nhân đạo được tiến hành khá thường xuyên xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đây là nghĩa cử cao đẹp và có sự tham gia rất tích cực của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do quy định pháp luật về từ thiện nhân đạo còn có những khoảng trống và bất cập nhất định dẫn đến trên thực tế triển khai có những vụ việc gây băn khoăn lo ngại trong dư luận (vụ việc sao kê, minh bạch của một số cá nhân tham gia kêu gọi, vận động ủng hộ đồng bào bị lũ lụt).

TS.Bùi Thị Thanh Thuý nhấn mạnh, dưới góc độ pháp lý cần làm rõ các cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo có quyền và nghĩa vụ gì? Đây là cơ sở để Nhà nước đánh giá tính hợp pháp trong hành vi các chủ thể; là căn cứ để Nhà nước và xã hội ghi nhận những đóng góp của các cá nhân tổ chức; đồng thời cũng là ranh giới pháp lý để các chủ thể tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo tự định hướng, điều chỉnh hành vi của mình.

Cùng quan điểm, ThS.Đặng Thị Hoài - Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia  Hồ Chí Minh cho rằng, các hoạt động từ thiện nhân đạo là một kênh huy động nguồn lực xã hội nhanh chóng và hiệu quả và luôn được Đảng và Nhà nước ta khuyến khích, tạo điều kiện. Một số chính quyền địa phương đã có những biện pháp cải cách thủ tục hành chính cũng như hỗ trợ nhân lực cần thiết nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện từ thiện nhân đạo. Tuy nhiên, nhiều vấn đề rủi ro đến từ việc nới lỏng cơ chế quản lý đã xảy ra ở một số nơi đòi hỏi các cấp chính quyền cần thắt chặt hoạt động quản lý nhà nước về từ thiện nhân đạo. Trong đó, tuân thủ các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục tiến hành từ thiện nhân đạo là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay để khắc phục tình trạng thiếu minh bạch, công khai, trục lợi thông qua từ thiện nhân đạo.

Cần thiết có một văn bản pháp lý thống nhất tầm luật

Theo TS.Bùi Thị Ngọc Mai, Học viện Hành chính Quốc gia, pháp luật về từ thiện nhân đạo có vai trò rất quan trọng đối với các chủ thể trong hệ thống chính trị nhằm điều tiết hoạt động từ thiện nhân đạo đúng hướng, hiệu lực,hiệu quả; đồng thời, có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của lĩnh vực từ thiện nhân đạo nhằm taoj ra nhiều giá trị tốt đẹp, nhân văn cho xã hội và con người. Do đó, hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo là vấn đề cấp thiết.

Đồng quan điểm, TS.Phạm Thị Tính, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra trong hoạt động từ thiện và nhiều vấn đề khác làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của hoạt động từ thiện cũng như lợi ích của những người làm từ thiện và nhận từ thiện, nhà nước cần phải có những quy định để quản lý và bảo vệ hoạt động này bằng các thiết chế chặt chẽ để bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể trong hoạt động từ thiện.

Chia sẻ góc nhìn khác, TS.Bùi Thị Thanh Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, các quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, anh, Trung Quốc,… đã ban hành pháp luật về từ thiện với những tên gọi khác nhau như Luật Các tổ chức từ thiện của Hoa Kỳ, Luật Từ thiện (Charities Act 2011) của Anh, Luật Từ thiện của Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc… “Ở Việt Nam hiện nay, pháp luật về từ thiện nhân đạo chưa được pháp điển hóa mà mới chỉ rải rác trong các văn bản pháp lý có hiệu lực khác nhau. Vì vậy, rất cần thiết có một văn bản pháp lý thống nhất tầm luật hoặc pháp lệnh để điều chỉnh một lĩnh vực xã hội khá phức tạp và nhạy cảm này”, TS.Bùi Thị Thanh Thúy nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động từ thiện nhân đạo, ThS.Nguyễn Thị Yến - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiến nghị, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về từ thiện nhân đạo, trong đó, cho phép các cá nhân, tổ chức không chuyên được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện không qua cơ chế lập quỹ. Trong đó, cần bảo đảm việc không hành chính hóa hoạt động từ thiện. Đây là yêu cầu cần thiết, bảo đảm hoạt động từ thiện được thực hiện theo đúng bản chất là quan hệ tư, xuất phát từ sự tự nguyện, không vụ lợi, phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Để bảo đảm sự điều chỉnh của pháp luật, phòng chống kịp thời những hành vi trục lợi từ hoạt động từ thiện, cần phải làm rõ khái niệm, nội dung của hoạt động này, từ đó phân loại các hoạt động từ thiện trên cơ sở thời gian, cách thức, phương pháp, chủ thể tiến hành. Trên cơ sở xây dựng được cơ chế hoạt động, pháp luật cần xác định được bộ nguyên tắc riêng áp dụng cho từng loại hình tình nguyện, cứu trợ nhân đạo.

Về mặt kỹ thuật pháp lý, TS.Bùi Thị Thanh Thuý - Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh, cần pháp điển hoá pháp luật về từ thiện nhân đạo ở mức độ Luật từ đó là căn cứ để xây dựng các quy định quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo một cách thống nhất và toàn diện. Bên cạnh đó, cần rà soát để bổ sung các quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo theo hướng: có sự phân tách rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của từng nhóm chủ thể theo vai trò tham gia cụ thể: quyền nghĩa vụ của nhóm chủ thể thụ hưởng, chủ thể trung gian, chủ thể tài trợ.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao việc Viện Nghiên cứu lập pháp lựa chọn và triển khai nghiên cứu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”. Theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nhân đạo còn mờ nhạt, chưa bao quát. Do đó, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo. Trong đó, cần lưu ý, quy định phải hướng tới đa dạng hóa chủ thể tham gia làm từ thiện nhân đạo, quy định phải hài hòa tránh làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai việc kêu gọi và phân phối các nguồn lực xã hội một cách kịp thời, đáp ứng được tình hình cấp bách của thực tiễn đặt ra,…

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến đã phân tích và đưa ra đề xuất giải pháp để nâng cao vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, doanh nghiệp, cá nhân,… trong hoạt động từ thiện nhân đạo; Trình tự thủ tục theo quy định pháp luật để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo.

GS.TS Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa luật, ĐH Quốc gia Hà Nội

Kết luận hội thảo, TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Theo TS. Lê Hải Đường, đây là nội dung có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh hiện nay, được các chuyên gia đánh giá cao về sự cần thiết. Do đó, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu thấu đáo, tham khảo kinh nghiệm các nước cũng như nhận diện đầy đủ các bất cập từ thực tiễn thời gian qua để đưa ra những đề xuất, kiến nghị sát thực nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực từ thiện nhân đạo.

TS.Lê Hải Đường cũng cho biết, kết quả của hội thảo là cơ sở, thông tin tham khảo thiết thực, quan trọng phục vụ cho việc triển khai và hoàn thiện Đề tài khoa học cấp Bộ “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam” do Ths. NCS. Đỗ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp làm Chủ nhiệm đề tài./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo “Thực trạng pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”

TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo

Ths. NCS. Đỗ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Hành chính – Nhà nước, Viện Nghiên cứu lập pháp làm Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam” 

Tại hội thảo các chuyên gia tập trung làm rõ thực trạng quy định của pháp luật về hoạt động từ thiện nhân đạo trong các văn bản pháp luật hiện nay; quy định pháp luật về từ thiện nhân đạo ở một số quốc gia; Phân tích, hệ thống hóa các quy định pháp luật, xác định bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành và thực tiễn tổ chức và hoạt động từ thiện .

TS.Dương Thị Hà, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, cần có những quy định pháp lý cụ thể hơn nữa về điều kiện để các chủ thể được làm từ thiện nhân đạo. Cần thiết phải có quy trình đăng ký để được cung cấp tư cách pháp nhân độc lập, bắt buộc với tất cả các chủ thể làm từ thiện nhân đạo, không phân biệt là chủ thể đó là tổ chức tư nhân hay là tổ chức có nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao việc Viện Nghiên cứu lập pháp lựa chọn và triển khai nghiên cứu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam”. Theo đó, các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động từ thiện nhân đạo còn mờ nhạt, chưa bao quát. Do đó, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo. Trong đó, cần lưu ý, quy định phải hướng tới đa dạng hóa chủ thể tham gia làm từ thiện nhân đạo, quy định phải hài hòa tránh làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai việc kêu gọi và phân phối các nguồn lực xã hội một cách kịp thời, đáp ứng được tình hình cấp bách của thực tiễn đặt ra,…

Bà Đàm Thị Nhi, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chia sẻ về hoạt động, vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo 

Bà Hà Thị Minh Tâm, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Nam, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam khóa XIV cho biết, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo là hết sức to lớn. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường vai trò của MTTQ các cấp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo trong thời gian tới, bà Hà Thị Minh Tâm, đề xuất cần tăng cường sự lãnh đạo, phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành đối với hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác từ thiện, nhân đạo

TS.Hồ Ngọc Sơn, Đại học Kinh tế quốc dân phân tích thực tế của việc thực hiện hoạt động từ thiện nhân đạo đối với doanh nghiệp hiện nay, có tham chiếu vào kết quả của một số doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đưa ra một số đề xuất để nâng cao vai trò của khối doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động từ thiện nhân đạo.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm với Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về từ thiện nhân đạo ở Việt Nam” ./.

Lê Anh - Nghĩa Đức