Hội thảo “Giải quyết tranh chấp kinh tế tại Việt Nam - Lý luận, thực tiễn và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Tham dự hội thảo có: TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; đại diện các cơ quan như Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Tòa án Nhân dân tối cao; Viện Nhà nước và Pháp luật;… cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC); Học viện Tư pháp; Viện Khoa học Pháp lý; Hội Luật gia Việt Nam;…
Phát biểu tại hội thảo, TS.Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong những năm qua, nền kinh tế nước ta mở cửa mạnh mẽ, ngày càng hội nhập quốc tế theo chiều rộng và chiều sâu với tốc độ nhanh chóng chưa từng có, từng bước thực sự trở thành một bộ phận không thể thiếu được nền kinh tế thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều đối tác chiến lược trên toàn thế giới như Hoa Kỳ, Nhật, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc..., đặc biệt là 02 Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP và EV.FTA. Theo đó, quy mô xuất nhập khẩu tăng liên tục, quan hệ thương mại ngày càng mở rộng, sôi động cả trong nước và quốc tế. Nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, cùng việc mở cửa, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế thì các nguy cơ tranh chấp kinh tế cũng gia tăng tương ứng, nhu cầu giải quyết tranh chấp kinh tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu theo đó cũng tăng lên. Đặc biệt, thời gian từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đã làm nhiều hoạt động kinh doanh bị đình trệ, thay đổi, nguy cơ phát sinh các tranh chấp tăng lên gấp nhiều lần bối cảnh thông thường.
TS.Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
TS.Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đối với mọi nền kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh. Giải quyết các tranh chấp kinh tế là đòi hỏi tự thân của các quan hệ kinh tế nhằm đáp ứng được những yêu cầu trong điều kiện nền kinh tế thị trường.
Gợi mở một số nội dung thảo luận, TS.Nguyễn Ngọc Sơn lưu ý, trên thực tế, mỗi phương thức giải quyết tranh chấp đều có những lợi thế, những khó khăn khi áp dụng. Hoàn thiện và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giải quyết tranh chấp kinh tế hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch, qua đó trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp cũng như môi trường kinh doanh và việc giải quyết tranh chấp kinh tế thuận lợi hay kém thuận lợi. Do vậy, vai trò của giải quyết tranh chấp kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung làm rõ: Một số vấn đề lý luận về giải quyết tranh chấp kinh tế; nội dung, phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế hiện nay; các yếu tố ảnh hưởng đến phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Kinh nghiệm một số quốc gia và khu vực về giải quyết tranh chấp kinh tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam; Thực trạng giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế cơ bản;….
Trên cơ sở đó, các chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này, các giải pháp tổ chức thi hành pháp luật trong giải quyết tranh chấp kinh tế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia phù hợp với điều kiện hiện nay.
Ths. Ls.Trần Anh Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm trọng tài quốc tế Hà Nội (HIAC)
Cho ý kiến tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế thị trường trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện cho các quan hệ thương mại phát triển, đồng thời các tranh chấp phát sinh từ những quan hệ này gia tăng nhanh chóng với tính chất ngày càng phức tạp. Thực tế này đã đặt ra nhu cầu hoàn thiện những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại hiệu quả và phù hợp thông lệ quốc tế.
Đưa ra giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, các chuyên gia kiến nghị: Xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, tương đồng với pháp luật nhiều nước sẽ thúc đẩy phát triển các quan hệ thương mại; Đẩy nhanh tiến độ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thương mại để sửa đỏi, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đặc biệt là Luật Thương mại năm 2005; Cân nhắc nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;….
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia còn phân tích, làm rõ thực trạng giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Theo các chuyên gia, với thủ tục giải quyết chặt chẽ cũng như tính cưỡng chế thi hành của bản án, giải quyết tranh chấp tại tòa án là một trong những phương thức hữu hiệu để giải quyết các tranh chấp, bao gồm tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, một số khó khăn trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam cũng được chỉ rõ như: Quy định về xác minh địa chỉ của đương sự nước ngoài; Quy định về thực hiện ủy thác tư pháp; Quy định về thời hạn mở phiên tòa, phiên họp hòa giả; Xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài để Tòa án áp dựng trong việc giải quyết tranh chấp;…
Kết luận hội thảo, TS.Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, phát biểu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Khẳng định đây là phạm trù có giá trị lý luận cũng như thực tiễn cao, kết quả hội thảo là thông tin khoa học quan trọng, TS.Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nội dung nghiên cứu đảm bảo Đề tài đạt chất lượng tốt nhất với những khuyến nghị thiết thực trong việc tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.