THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI: CẦN ĐẨY NHANH GIẢI NGÂN, PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
ĐBQH NGUYỄN NHƯ SO: ĐỪNG ĐỂ DOANH NGHIỆP PHÁ SẢN TRƯỚC KHI TIẾP CẬN ĐƯỢC VỐN HỖ TRỢ
Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các chuyên viên của Viện Nghiên cứu lập pháp; các chuyên gia, giảng viên, luật sư tại các cơ quan, Viện nghiên cứu, trường Đại học Luật Hà Nội.
Luật Phá sản năm 2014 được ban hành đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường một cách có trật tự.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh: Trước sự phát triển của tình hình thực tế và yêu cầu hội nhập quốc tế, trong những năm gần đây, khuôn khổ pháp lý về phá sản doanh nghiệp ở nước ta đã bộc lộ những thiếu sót, lạc hậu, chưa đồng bộ, toàn diện, số lượng văn bản còn nhiều, nội dung không ít quy định đã không còn theo kịp với sự phát triển của thực tiễn, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, không ít các doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam đã và đang gặp những khó khăn và nguy cơ mất khả năng thanh toán.
TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu tại Hội thảo.
Ngoài ra, quá trình tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng cho thấy, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa ở nước ta, các văn bản pháp luật làm nền tảng cho việc phát triển, quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có Luật phá sản, cần được tiếp tục hoàn thiện.
Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện pháp luật về phá sản doanh nghiệp, hướng tới việc sửa đổi, bổ sung Luật phá sản năm 2014, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan là nhu cầu tất yếu đang đặt ra.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Với những lý do trên, Viện Nghiên cứu lập pháp đã phê duyệt và ký hợp đồng với Ban chủ nhiệm đề tài để triển khai nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: “Hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập hiện nay” có ý nghĩa quan trọng và thực sự đang là những đòi hỏi ngày càng cấp thiết; nhằm nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể các quy định của pháp luật hiện hành về phá sản doanh nghiệp, nhận diện các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các chủ thể kinh doanh tiếp tục hoạt động, bảo vệ quyền hợp pháp của các chủ nợ, góp phần cân bằng, bình ổn kinh tế - xã hội và phát triển đất nước.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục cập nhật nội dung Hội thảo./.