Trong năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp phục vụ kỳ họp của Quốc hội/phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên tinh thần phục vụ “từ sớm, từ xa” hoạt động lập pháp của Quốc hội, theo sát các dự án luật từ khi soạn thảo cho đến khi Quốc hội thông qua.
Theo đó, số lượng các chuyên đề được duy trì để mỗi dự án luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều được nghiên cứu. Chất lượng các sản phẩm được chú trọng, cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu, yêu cầu và nhận được sự phản hồi, đánh giá tính cực từ phía lãnh đạo Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh việc tham gia đóng góp các sản phẩm nghiên cứu chuyên đề, cung cấp thông tin chuyên đề phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội, năm 2022 là năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp tham gia thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức 27 hội thảo/tọa đàm đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết; 19 hội thảo phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài triển khai theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; khoảng 200 lượt chuyên gia tham gia viết tham luận hội thảo/tọa đàm, đóng góp ý kiến phản biện đối với các nhiệm vụ nhiệm vụ khoa học; biên tập 01 kỷ yếu hội thảo; nghiên cứu, cung cấp 54 chuyên đề phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu và đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá tích cực trên phương diện chuyên môn, tính khoa học, tính phản biện và tính độc lập, khách quan, có sự đóng góp nhất định vào việc xây dựng chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, hoạt động chung của Quốc hội.
Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp cùng Ủy ban Xã hội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)”
Bên cạnh đó, công tác tổ chức thông tin phục vụ kỳ họp Quốc hội được cải tiến so với năm 2021. Từ kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XV, được sự đồng ý của Tổng Thư ký Quốc hội, thông qua Thư viện Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp được bố trí nơi trưng bày, cung cấp các tài liệu, sản phẩm trực tiếp đến tay đại biểu Quốc hội tại hội trường trong mỗi kỳ họp. Cùng với phương thức truyền thống, Viện Nghiên cứu lập pháp đã kết hợp cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội bằng bản điện tử trên môi trường mạng (qua App Quốc hội điện tử).
Đặc biệt, trong năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có cơ chế thu hút các chuyên gia, cộng tác viên có kinh nghiệm, uy tín. Tính đến thời điểm hiện nay, Viện đã thu hút được hơn 300 chuyên gia, cộng tác viên ở các ngành, các lĩnh vực và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, cộng tác viên. Các chuyên gia, cộng tác viên đã có nhiều đóng góp cho hoạt động triển khai các nhiệm vụ khoa học và đóng góp cho các hoạt động của Viện, các hoạt động chung của Quốc hội, UBTVQH.
Lễ Ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2026 giữa Hội Luật gia Việt Nam và Viện Nghiên cứu lập pháp
Cũng trong năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tiến hành ký kết 02 văn kiện thỏa thuận hợp tác quan trọng giai đoạn 2021 - 2026 với Hội Luật gia Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội. Sau khi ký Thoả thuận hợp tác, Viện NCLP đã ban hành Kế hoạch hợp tác với Trung ương Hội luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội để các bên tổ chức triển khai ngay các hoạt động nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, như mời chuyên gia viết các báo cáo chuyên sâu, báo cáo chuyên đề tại hội thảo, toạ đàm; mời chuyên gia tham dự các Hội đồng tư vấn, nghiệm thu; phối hợp để đồng chủ trì tổ chức hội thảo… Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục thu hút, huy động trí tuệ từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu vào công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Dự kiến, trong năm 2023, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp tục triển khai linh hoạt các hình thức tổ chức hội thảo/tọa đàm, kết hợp cả tổ chức hội thảo truyền thống và hội thảo trực tuyến; chủ động tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức (Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội luật gia, Liên đoàn Luật sư, các cơ sở đào tạo luật, các tổ chức tư vấn pháp luật uy tín…), các chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm để tổ chức các hội thảo/tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề phục vụ các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội, kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.