Thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập

27/10/2015

Nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế- xã hội tại kỳ họp thứ 10, tối 26/10, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thức đẩy Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập (WTO, TTP, AEC)”.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp TS. Đinh Xuân Thảo và Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh TS. Lê Xuân Nghĩa chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm còn có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội là đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng và pháp lý.

Viện trưởng Viện NCLP Đinh Xuân Thảo phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Đinh Xuân Thảo cho biết một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội tại kỳ họp là xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội 2015. Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2015 cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá tái cơ cấu tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên nợ xấu chưa được xử lý triệt để, hoạt động của Công ty quản lý tài sản VAMC còn nhiều hạn chế, cũng như xem xét tính công khai minh bạch trong việc mua lại các ngân hàng thương mại yếu kém với giá 0 đồng.

Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận làm rõ hơn thực trạng tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu ở nước ta trong thời gian qua, chỉ ra những vướng mắc bề cơ sở pháp lý cần giải quyết cũng như nhu cầu hoàn thiện pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Tái cơ cấu ngân hàng thành công cả chất và lượng

Phân tích tình hình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết năm 2011, lạm phát trên 20%, các ngân hàng vi phạm nguyên tắc chạy đua lãi suất, hầu hết các ngân hàng có nguy cơ mất khả năng thanh toán, vàng biến động mạnh; tỷ giá hối đoái tăng mạnh, dự trữ ngoại hối giảm sút, IMF cảnh báo mất thanh toán quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước phá sản hàng loạt, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán sụp đổ, lòng tin vào đầu tư giảm mạnh.

Trước tình hình đó, Nhà nước quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong đó tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với 3 giai đoạn” củng cố thanh khoản, xử lý ngân hàng yếu kém; xử lý nợ xấu, lành mạnh tài chính; chấn chỉnh quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro, sở hữu lũng đoạn, cho vay chéo, cho vay sân sau.

Sau khoảng 4 năm thực hiện tái cơ cấu, kiểm soát lạm phát thành công được coi là thắng lợi có ý nghĩa quyết định không chỉ giúp tránh được cuộc khủng hoảng tài chính mà cả khủng hoảng kinh tế, củng cố vị thế của Việt Nam với các nhà đầu tư, củng cố lòng tin của dân chúng và doanh nghiệp.

Đặc biệt, việc xử lý quyết liệt các ngân hàng yếu kém gồm 11 ngân hàng thương mại cổ phần và nhiều chi nhành ngân hàng nước ngoài, gắn xử lý ngân hàng yếu là xử lý sở hữu chéo, lũng đoạn bằng pháp luật và bằng chấm dứt kinh doanh ngân hàng. Các ngân hàng sau khi được xử lý đều hoạt động theo đúng lộ trình tái cơ cấu, thanh khoản ổn định, tiền gửi củng cố, nợ xấu giảm, một số ngân hàng phát triển tốt, tăng tài sản nhanh. Tổng nợ xấu đã được xử lý khoảng trên 450 ngàn tỷ đồng góp phần làm sạch cơ bản bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Qua đó, nền tảng tài chính của hệ thống ngân hàng dần lành mạnh và phục hồi ổn định tạo tiền đề cho chương trình hiện đại hóa.

Đánh giá về kết quả tái cơ cấu này, đại biểu Quốc hội PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được thành công cả về chất và lượng theo đúng kịch bản đề ra. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân về mặt lượng, quá trình tái cơ cấu đạt mục tiêu hợp nhất, sáp nhập, mua lại các ngân hàng yếu kém. Trước khi tái cơ cấu, hệ thống có 42 ngân hàng thương mại, con số này hiện nay chỉ còn 34 ngân hàng. Số lượng các ngân hàng giảm nhiều nhưng niềm tin của người dân vào chính sách ngân hàng ngày càng được củng cố và nâng cao.

Về mặt chất, tái cơ cấu đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị của hệ thống ngân hàng. Hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng có sự chuyển dịch, dư nợ tín dụng tăng trở lại, chất lượng tín dụng tốt hơn và nợ xấu đã được khoanh vùng để giải quyết.

Mua lại ngân hàng với giá 0 đồng là sáng tạo

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng biện pháp mua lại cổ phần bắt buộc theo quy định hiện hành đối với ngân hàng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu và không thể sáp nhập, hợp nhất tự nguyện được. Đây là biện pháp xử lý mạnh tay, khẳng định quyết tâm của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiên quyết xử lý triệt để ngân hàng yếu kém, đồng thời cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông và răn đe các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm bảo vệ tài sản của mình tại ngân hàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá trong điều kiện đặc thù của Việt Nam thì mua không đồng là sáng tạo. Điều này giúp kết thúc nhanh quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, chấn chỉnh lại kỷ luật thị trường và lòng tin người gửi tiền. Đồng thời, kết hợp mua không đồng vừa xử lý sở hữu chéo, lũng đoạn là cách làm hiệu quả, nhanh chóng, không gây xáo trộn, đổ bể hệ thống.

Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh Trần Du Lịch cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay không có cá nhân hay pháp nhân kinh tế nào đủ uy tín để đứng ra mua lại các ngân hàng yếu kém mà vẫn đảm bảo hoạt động, lòng tin của người gửi tiền ngoài Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước mua lại các ngân hàng yếu kém thực chất là mua cơ chế, sử dụng quyền, uy tín để giúp phục hồi chứ không mất tiền ngân sách để trả nợ thay cho các ngân hàng.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về cơ sở pháp lý, biện pháp ngân hàng nhà nước mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt đã được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cả 3 phương diện: thẩm quyền, điều kiện và trình tự thủ tục.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Phó chủ nhiệm Lê Thị Nga đề nghị, cần tăng cường công khai, minh bạch hoạt động ngân hàng, tăng cường hiệu quả quản lý, hoàn thiện thể chế của Chính phủ cũng như tăng cường trách nhiệm giám sát của Quốc hội và nâng cao năng lực của các cơ quan tư pháp trong việc xử lý các vụ việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đúng pháp luật, khách quan, công bằng.

Tin và ảnh: Bảo Yến