TRÌNH UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔNG THỂ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI

18/09/2019

Chiều ngày 18/9, trong khuôn khổ phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025.

Cần thiết phải xây dựng đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 3,04 triệu hộ, 13,38 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền trung là những khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Tuy nhiên, hiện nay vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi (hiện còn 118 văn bản đề cập đến chính sách); nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN.

Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Về nội dung của đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết Dự thảo Đề án gồm 6 phần. Phần một về sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án. Phần hai về thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phần ba về quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phần bốn về đánh giá tác động của Đề án. Phần năm về tổ chức thực hiện (Trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương). Phần sáu kết luận và kiến nghị.

Mục tiêu đến năm 2030 đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không còn hộ đói

Đề án xác định quan điểm, đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là đầu tư cho phát triển, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; đi liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình

Bên cạnh đó, là phát huy cao độ nội lực, lợi thế của vùng, đi đôi với gia tăng sự đầu tư và hỗ trợ của Trung ương, ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn vốn thực hiện các chính sách được ban hành. Cùng với đầu tư phát triển KT-XH, phải coi trọng củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đầu tư phát triển KT-XH đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020. Trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định. Trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải. 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; đảm bảo có từ 10 - 12% số học sinh DTTS trong độ tuổi trung học được hưởng chính sách trường phổ thông dân tộc nội trú…

Mục tiêu cụ thể đến 2030 không còn hộ đói; hộ nghèo giảm 80% so với năm 2020. 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực. Giảm ít nhất 70% số thôn đặc biệt khó khăn; 80% số xã đặc biệt khó khăn so với năm 2020. Trên 85% xã vùng đồng bào DTTS&MN có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống của người dân. Giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào DTTS…

Tích hợp hệ thống chính sách dân tộc

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Đề án xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp gồm: Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển, xác định rõ địa bàn xã, thôn đặc biệt khóa khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống chính sách dân tộc thành “Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS.

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS&MN để phục vụ công tác dự tính, dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Tăng cường, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS&MN vững mạnh.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận

Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc để thực hiện chức năng thẩm định các cơ chế chính sách liên quan đến đồng bào DTTS và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Tiếp tục ban hành chính sách đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Củng cố, tăng cường hệ thống ngân hàng chính sách xã hội từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; đảm bảo các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Kiến nghị Quốc hội phê duyệt Đề án và cho phép xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi” từ 2021

Trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, đa số ý kiến các bộ, ngành, địa phương và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn gồm cả các xã bãi ngang ven biển, hải đảo, biên giới là địa bàn không có hoặc có rất ít người DTTS sinh sống là chưa thật phù hợp. Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh lại nội dung và tên Đề án là: “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt Đề án và cho phép xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi” thực hiện từ năm 2021; Phê duyệt chủ trương và các nội dung chủ yếu của Đề án, khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Chính phủ sẽ tổng hợp, cân đối và trình Quốc hội theo quy định của Luật đầu tư công và Luật ngân sách Nhà nước.

Đồng thời đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề giao nhiệm vụ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát quá trình thực hiện.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh