LỒNG GHÉP GIỚI TRONG DỰ ÁN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐẦU TƯ VÀ LUẬT DOANH NGHIỆP

17/09/2019

Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ, đại diện Cơ quan soạn thảo nêu rõ, Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là dự án Luật có tác động về giới.

Đại diện cơ quan soạn thảo phát biểu tại Phiên họp

Cơ quan soạn thảo cho biết, đối với nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, một trong những nội dung của dự thảo Luật là quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong số các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện có một số ngành, nghề có tác động trực tiếp tới vấn đề bình đẳng giới (như kinh doanh mại dâm, Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người, hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ). Đây là các nội dung có tác động trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em là những đối tượng chính bị tác động bởi các hành vi này. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm mục đích thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất có thể tác động nhất định tới vấn đề lao động, việc làm, qua đó gián tiếp tác động tới vấn đề bình đẳng giới.

Đối với nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Phạm vi điều chỉnh của Luật này gồm quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, đối tượng áp dụng của Luật là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, quản lý và các hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Các hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh bao gồm hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thành lập Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, thù lao, tiền lương và thưởng của người quản lý doanh nghiệp, chào bán cổ phần, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong Luật Doanh nghiệp… về cơ bản đều có tác động nhất định về giới.

Toàn cảnh Phiên họp

Về một số vấn đề cụ thể liên quan tới bình đẳng giới trong dự án Luật và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại dự thảo Luật, đại diện Cơ quan soạn thảo chỉ ra rằng, đối với nội dung sửa đổi Luật Đầu tư, Luật tiếp tục duy trì quy định về cấm: Kinh doanh mại dâm, Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người, Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; duy trì quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Luật sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện có tác động trực tiếp tới vấn đề bình đẳng giới như: sửa đổi, bổ sung ngành nghề “Kinh doanh dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện, cai nghiện thuốc lá, điều trị HIV/AISD, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em.”

Đối với nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp, với phạm vi điều chỉnh là thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại và các hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì các quy định của dự thảo Luật sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nữ giới hoặc nam giới trong hoạt động này. Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã nghiêm túc xem xét, nghiên cứu toàn diện để đảm bảo dự thảo Luật không có nội dung quy định phân biệt về giới cũng như có chính sách phù hợp cho cả nữ giới và nam giới.

Áp dụng Luật Doanh nghiệp và luật có liên quan, dự thảo Luật quy định tại Điều 3 như sau:“Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”. Nguyên tắc trên bảo đảm sự thống nhất pháp luật, thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Bộ Luật Lao động; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong thành lập, tổ chức hoạt động của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật đã quy định rõ doanh nghiệp không được cản trở các hoạt động của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Như vậy, Luật đã quy định doanh nghiệp không được cản trở các tổ chức như: Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh… hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của nhóm người yếu thế, đảm bảo bình đẳng giới trong doanh nghiệp. Nghĩa vụ của doanh nghiệp (Điều 8 Khoản 4, Khoản 8). Dự thảo Luật quy định các nghĩa vụ của doanh nghiệp về người lao động và bình đẳng giới việc quy định phải đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, không sử dụng lao động cưỡng bức và lao động trẻ em...nhằm đảm bảo quyền lợi của nhóm người yếu thế, không phân biệt đối xử giữa lao động nam và nữ tham gia trong hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp như quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp (Điều 18), quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (Điều 20, 21, 22, 23, 24); trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp (Điều 27), tên doanh nghiệp và những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp (Điều 38, 39) được áp dụng cho mọi đối tượng tham gia đăng ký thành lập doanh nghiệp, không mang tính phân biệt về giới, đáp ứng nguyên tắc bình đẳng giới theo quy định pháp luật. Các quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần như quyền và nghĩa vụ của thành viên, cổ đông (Điều 50, 51), cơ cấu tổ chức quản lý công ty (Điều 55), cơ quan trong công ty như Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; tiêu chuẩn điều kiện làm Thành viên hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc, Kiểm soát viên; thù lao, tiền lương và thưởng của người quản lý công ty... cũng đều không có sự phân biệt đối xử giữa nam giới và nữ giới.

Ngoài ra, các quy định về công bố thông tin như: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (Điều 33), Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp (Điều 34), Công bố thông tin định kỳ và bất thường (Điều 108, 109); Công khai thông tin cổ phần (Điều 171)... hướng tới xây dựng quản trị công ty một cách minh bạch, tạo điều kiện cho mọi công dân không phân biệt nam nữ được tham gia vào đầu tư, kinh doanh, quản trị, giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Dự báo tác động của các quy định về lồng ghép giới trong dự án Luật, Cơ quan soạn thảo cho biết, sau khi được ban hành, Luật sẽ tạo cơ hội về mặt pháp lý mà còn tăng cường cơ hội thực sự để mọi công dân được tham gia vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh đúng theo Hiến pháp và Luật Bình đẳng giới.

Cơ quan soạn thảo thảo nêu rõ, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới, Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, không phân biệt nam và nữ thực hiện quyền thành lập doanh nghiệp, tham gia đầu tư, kinh doanh, tổ chức hoạt động của doanh nghiệp; nâng cao nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn dân về bình đẳng giới trong thực hiện hoạt động doanh nghiệp; tạo cơ chế để các cá nhân không phân biệt giới tính có quyền tiếp cận thông tin về các hoạt động của doanh nghiệp, từ đó có phương án đầu tư, kinh doanh phù hợp; các quy định trong Luật tạo cơ chế để các cá nhân có quyền giám sát quá trình thực hiện các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đối với các chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh./.

Hồ Hương

Các bài viết khác