QUAN TÂM GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ CỐT LÕI CỦA ĐỒNG BẢO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

18/09/2019

Chiều 18/9, tiếp chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025.

Đánh giá cao việc chuẩn bị xây dựng đề án theo yêu cầu của Quốc hội

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012-2018 và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra về Đề án này.

Theo đó, thực hiện Nghị quyết 74/2018/QH14 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) làm cơ sở để xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trình Quốc hội phê duyệt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025

Trên cơ sở đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ ra những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Đề án xác định quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cho ý kiến về trình tự, thủ tục hồ sơ của đề án để ban hành một Nghị quyết đặc thù của Quốc hội; phạm vi của đề án, các quan điểm, các mục tiêu phát triển có phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia gắn với việc thực hiện cam kết về phát triển bền vững của Liên hợp quốc; các các giải pháp trong đề án có đảm bảo 3 nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển cũng như bao trùm các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, thông tin, khoa học ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tổ chức cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề môi trường, vấn đề an ninh, quốc phòng, vấn đề biên giới và vấn đề xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu Đề án đủ điều kiện trình Quốc hội thì đây là một trong những quyết định có tính lịch sử của Quốc hội Việt Nam, là một trong những nội dung quan trọng để triển khai thực hiện khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013: “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận

Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ tích cực khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong xây dựng Đề án; khẳng định việc xây dựng Đề án là vấn đề mang tính lịch sử khi có một Đề án tổng thể để phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ để đảm bảo vừa có tính khả thi, tính cụ thể đi vào cuộc sống, tránh đưa ra đề án mà cuối cùng lại thực hiện không được như mong muốn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,  cho nên diện mạo đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thay đổi khá toàn diện, nhưng do chính sách còn manh mún, đầu tư cũng chưa đồng bộ và quyết liệt cho nên mức phát triển của đồng bào miền núi còn thấp, nhiều việc cần phải làm. Do đó việc xây dựng Đề án và trình Quốc hội phê duyệt là rất cần thiết, để thu gom lại, tập trung nguồn lực và tập trung chỉ đạo làm cho nhận thức, quan điểm tốt lên.

Đề án phải giải quyết những vấn đề cốt lõi hiện nay

Cho ý kiến về nội dung của Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Đề án phải xác định rõ giai đoạn để thực hiện phải tập trung làm rõ quan điểm tập trung nguồn lực gồm có cả vật lực và trí lực của cả hệ thống chính trị để tập trung thực hiện cho được Đề án này; phải thu gọn về đầu mối và phải đi vào khâu cốt lõi, khâu đột phá theo đó giải quyết những điểm yếu nhất trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hiện nay.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Đề án phải đi vào 2 nhóm chính sách: nhóm chính sách mang tính chất hỗ trợ của nhà nước, hỗ trợ của cộng đồng, hỗ trợ của doanh nghiệp và nhóm tổ chức gồm có tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ, kể cả tổ chức Đảng, chính quyền để thực hiện.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ, phải đi vào những khó khăn, bức xúc nhất của đồng bào như hiện nay rất nhiều vùng đang thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước sản xuất, nên giải quyết vấn đề thuỷ lợi, nước là đầu tiên; rồi đến đất, đất chính là tư liệu sản xuất và điện. Sau đó là giao thông, y tế, giáo dục, văn hoá và các yếu tố khác. Cùng với đó các chính sách phải giải quyết khó khăn của từng vùng bởi mỗi vùng là khác nhau, xác định Tây Bắc thiếu cái gì, cái gì là quan trọng sẽ khác với khó khăn của Tây Nguyên hay Tây Nam Bộ. Sau khi chỉ rõ lĩnh vực, trật tự ưu tiên thực hiện thì phân kỳ từng giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc các mục tiêu cụ thể của Đề án để bảo đảm tính khả thi

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý nhóm tổ chức như tổ chức sản xuất như thế nào, giải quyết quan hệ sản xuất ở nông thôn, miền núi như thế nào, vấn đề tổ chức lao động, tổ chức hệ thống chính quyền, trong đó vấn đề cán bộ... cũng rất quan trọng; bởi hỗ trợ phải gắn với tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng một số mục tiêu cụ thể của đề án hơi tham vọng, đặt ra quá cao như đến năm 2025 thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020, hay trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải…cần phải rà soát tính toán lại để bảo đảm tính khả thi. Cùng với đó là tính toán kỹ thêm về nguồn lực thực hiện, bố trí kinh phí đưa vào kế hoạch trung hạn 5 năm, Chính phủ phải bố trí, cân đối được nguồn lực thực hiện.

Cùng quan điểm, nhấn mạnh đây là đề án lớn và hệ trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của dự án. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong đề án lần này quá rộng, có những vấn đề quá cụ thể sa vào đề án của Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương, cho nên ở đây phải bàn rất cụ thể, thận trọng hơn chọn vấn đề, nhóm vấn đề để đưa vào trong đề án của Quốc hội.  

Đặt đề án trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tầm nhìn đến năm 2030 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý phải đặt mối quan hệ của đề án này trong bối cảnh chúng ta đang dự kiến xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2026 và tầm nhìn đến năm 2030 để so sánh với những phương hướng, mục tiêu của vấn đề phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong bối cảnh quan hệ chung. Quan điểm xây dựng Đề án phải đồng bộ, phải thống nhất và cũng phải xác định đầu tư cho vùng này là đầu tư phát triển lâu dài, liên tục, có cả hỗ trợ và huy động mọi nguồn lực. Đồng thời phải gắn với phát triển bền vững, với an ninh quốc phòng, phải gắn với chủ quyền biên giới quốc gia cũng như thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Do đó các giải pháp cụ thể cần ưu tiên công tác quy hoạch (quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư); ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng về cơ sở vật chất, hạ tầng về văn hoá xã hội, y tế, giáo dục; và phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng miền, từng đồng bào dân tộc, nhất là văn hoá, phong tục, tập quán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Đề án này phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển tầm nhìn đến năm 2030 trong nghị quyết và chiến lược kinh tế 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì cho rằng, cần rà soát lại và viết gọn lại nghị quyết này có tính chất Quốc hội quyết định những chủ trương lớn, những tư tưởng lớn. Trên cơ sở đó thì Chính phủ sẽ xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia đặt trong tổng thể các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm để trình Quốc hội, gắn với xây dựng các văn kiện trình Đại hội Đảng.

Bên cạnh đó, trước ý kiến đề xuất điều chỉnh tên và nội dung của Đề án thành “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu là “Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025”.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Đề án bảo đảm hiệu quả và thực hiện cho tốt.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác