RÀ SOÁT THÊM VỀ TÍNH KHẢ THI CỦA DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

19/09/2019

Tại phiên thảo luận Phiên họp thứ 37 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành, nhiều vấn đề về tính khả thi, tính cụ thể của Dự luật đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này; tính phù hợp với chủ trương của Đảng và tính thống nhất của hệ thống pháp luật có liên quan; sau khi luật này ban hành sẽ ảnh hưởng gì đến những quy định trước đây đã có và đang thực thi trong Luật Xây dựng hay không? Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ đánh giá hồ sơ dự án được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, nghiêm túc; trình tự, thủ tục, dự án Luật đã tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc chỉ rõ, Luật sửa đổi có đề cập đến vấn đề cấp phép xây dựng, trong cấp phép xây dựng có quản lý trật tự xây dựng. Cấp phép cũng có mặt tốt, muốn quản lý được phải có cấp phép xây dựng. Giữa thanh tra và quản lý xây dựng hiện nay đang có trùng lặp nhau. Chúng ta đang muốn đẩy mạnh quản lý trật tự xây dựng lên, nhưng thanh tra xây dựng vẫn đang tồn tại một số vấn đề. Do đó phải tổng kết đánh giá cho kỹ để làm sao quản lý tốt, tránh nhiều đối tượng quản lý quá mà cuối cùng công trình sai phép vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần tổng kết, đánh giá tác động cho thấu đáo rồi tiến hành sửa toàn diện; trong Tờ trình có nhiều vấn đề không thuộc vấn đề bức xúc, tác động ngay phải sửa ngay trong một nhiệm kỳ.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận

Quan tâm cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phân tích, Luật Xây dựng có 2 đối tượng để điều chỉnh nói chung. Đối tượng thứ nhất là đầu tư công để xây dựng các quy hoạch và phát triển các đô thị lớn. Đối tượng thứ hai là điều chỉnh để người dân xây nhà ở cá nhân. Do đó, Luật cũng phải quan tâm đúng mức đến vấn đề người dân xây nhà cho họ ở chứ không phải chỉ xây theo quy hoạch. Nếu tính đến người dân xây nhà ở thì luật này đang điều chỉnh như thế nào? Đi vào một quá trình xây nhà của người dân là không đơn giản. Chính vì vậy, cần đặt vấn đề đơn giản hoá thủ tục không phải chỉ cho các công ty xây dựng lớn mà ngay cả người dân cũng phải được đơn giản hoá thủ tục này. Ngoài ra, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng quan tâm đến việc các công ty xây dựng đang sử dụng những công nhân xây dựng như thế nào? Nhiều nơi vẫn còn tình trạng mùa vụ thì về làm nông thôn, hết mùa thì đi làm xây dựng, họ vào công trường nhưng nhiều khi tay nghề cũng vừa phải nên trong việc hành nghề cũng không đơn giản.

Cũng tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Cơ quan soạn thảo cần nhìn nhận một vấn đề đang tồn tại trong thực tiễn, đó là những công trình có đầu tư công, công trình của Nhà nước thì làm rất lâu nhưng xuống cấp thì rất nhanh. Vấn đề gì trong luật này đã dẫn đến các công trình xây dựng xuống cấp rất nhanh như vậy? Đề nghị đánh giá cho là có lỗi gì ở luật này không? Có một khái niệm lâu nay vẫn tồn tại là là rút ruột công trình. Quy trình của hoạt động xây dựng như thế nào mà dẫn đến có thực trạng rút ruột công trình. Bên cạnh đó, liên quan đến thẩm định thiết kế xây dựng, giấy phép, Dự luật cũng có những cải tiến và sửa theo hướng có một số công trình không cấp giấy phép nữa. Đề nghị đây là vấn đề phải đánh giá tác động rất kỹ. Bây giờ đang còn phải cấp giấy phép mà tình hình trật tự xây dựng vẫn còn vi phạm, vậy chúng ta chỉ cấp giấy phép một số loại còn lại không cấp giấy phép nữa thì sẽ ra sao? Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng việc sửa đổi là cần thiết, nhưng nếu sửa đổi để giải quyết tổng thể những vấn đề thì phải tổng kết rất kỹ và xem lại báo cáo tổng kết để đảm bảo chất lượng của sửa đổi; có đánh giá về toàn bộ một số quy trình, đã sửa thì sửa một lần và phải sửa thật tốt để sau này luật này có thể tồn tại được khoảng 10 năm.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần rà lại dự án Luật này các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột với các luật hiện hành như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, v.v… và các dự án luật sẽ sửa đổi như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, v.v… Đồng thời, Chính phủ phải tiếp tục rà soát thêm về tính khả thi, tính cụ thể của dự án Luật liên quan đến vấn đề như về phân loại cấp độ xây dựng; vấn đề là Ban quản lý xây dựng; về công trình xây dựng mang tính cấp bách; dự án đô thị; các nội dung tăng cường về kỷ luật xây dựng, có thêm những chế tài để tăng cường kỷ luật xây dựng hơn nữa, tránh những tồn tại, hạn chế như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ lưu ý đến các điều khoản chuyển tiếp để đảm bảo những vấn đề đã phát sinh tiếp tục được thực hiện, những vấn đề cần phải chuyển đổi theo luật này sẽ chuyển đổi có lộ trình, tránh tạo ra những hụt hẫng hay khoảng trống pháp lý trong quá trình thực thi luật./.

Hồ Hương