ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH SẮP XÊP, THÀNH LẬP MỘT SỐ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THUỘC TỈNH THANH HÓA

16/10/2019

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 38, chiều ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết địnhsắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp

Tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 24 huyện, 01 thị xã, 02 thành phố; không có đơn vị cấp huyện chưa đạt 50% của hai tiêu chuẩn theo quy định. Đơn vị hành chính cấp xã có 635 đơn vị, gồm 573 xã, 34 phường, 28 thị trấn; có 69 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp theo quy định, gồm 62 xã, 07 thị trấn.

Tờ trình của Chính phủ đề xuất thực hiện sắp xếp 146 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 118 xã, 03 phường, 25 thị trấn) để thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 76 đơn vị; đồng thời, thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở toàn bộ 21,20 km2diện tích tự nhiên, dân số 9.638 người và11 thôn của xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn.Kết quả sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa còn lại 559 đơn vị, gồm 496 xã, 34 phường, 29 thị trấn. Trong đó, huyện Triệu Sơn còn lại 34 đơn vị, gồm 32 xã và 02 thị trấn (giảm 3 xã, tăng 01 thị trấn).

Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, xã Tân Ninh nằm ở phía Nam của huyện Triệu Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 10 km; là xã có trữ lượng quặng cromit lớn nhất cả nước, có di tích lịch sử quốc gia là Am Tiên và đền thờ bia ký Lê Bật Tứ. Địa bàn xã có tuyến Quốc lộ 47C, Tỉnh lộ 517, đường Nghi Sơn - Sao Vàng chạy qua nên thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của xã Tân Ninh. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế của xã đạt 11%; thương mại – dịch vụ chiếm 39%; công nghiệp – xây dựng chiếm 41,0%; nông nghiệp giảm còn 20% trong cơ cấu kinh tế; xã Tân Ninh đã cân đối được thu, chi ngân sách địa phương; thu nhập bình quân đầu người đạt 42,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,48%. Bộ mặt đô thị trên địa bàn xã có nhiều thay đổi tích cực, hệ thống hạ tầng ngày một hoàn thiện, tiến tới đồng bộ. Xã Tân Ninh đã được đánh giá công nhận là đô thị loại V. Vì vậy, việc thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở xã Tân Ninh là cần thiết và phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thành lập thị trấn với tên gọi Nưa có ý nghĩa kế thừa tên gọi Kẻ Nưa từ thời Hùng Vương, gắn với trung tâm thị tứ phố Nưa, chợ Nưa của địa phương, phù hợp với quy hoạch đô thị Nưa và nhân dân trên địa bàn xã đồng thuận. Xã Tân Ninh đạt 4/4 tiêu chuẩn thành lập thị trấn theo quy định.

Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra

Thẩm tra nội dung này, Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa trong việc quán triệt sâu sắc và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, là tỉnh đi đầu trong cả nước trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề án của tỉnh Thanh Hóa do Chính phủ trình.

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, quá trình chuẩn bị đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa công phu, nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị quyết số 653/2019/ubtvqh14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Đề án đã được lấy ý kiến cử tri và ý kiến của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao. Kết quả lấy ý kiến cử tri đã được công bố trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ nghiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với sự cần thiết thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa với các lý do như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ và hợp lệ. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng các yêu cầu của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở cácđơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.

Tuy nhiên, về cách thể hiện vị trí địa lý của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, Ủy ban Pháp luật đề nghị đề nghị dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ghi cụ thể địa giới hành chính (Đông, Tây, Nam, Bắc) của từng đơn vị hành chính được sắp xếp mà chỉ quy định khái quát về vị trí tiếp giáp của các đơn vị hành chính được sắp xếp với các đơn vị hành chính liền kề. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã liên quan và tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã và đời sống của Nhân dân trên địa bàn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa phải nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, quản lý tài sản công; hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các đơn vị hành chính mới được sắp xếp phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng mà không gây xáo trộn lớn đến đời sống của Nhân dân và cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Đồng thời, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn có thời gian cho công tác chuẩn bị, rà soát, hướng dẫn việc thay đổi tên gọi, con dấu, giấy tờ có liên quan; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân khi sắp xếp ĐVHC, bảo đảm sự đồng thuận, tránh xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Đồng thời, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đã nêu trong đề án của Chính phủ. 

Đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên họp

Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Bày tỏ ý kiến của mình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, việc thành lập lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng giống như việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương sẽ đặt ra hàng loạt các vấn đề về đô thị: tắc đường, môi trường; các vấn đề về an ninh, xã hội… đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị trước khi tiến hành thành lập.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng nhấn mạnh, việc xác định vị trí địa lý của các đơn vị hành chính của các địa phương sau khi sắp xếp, điều chỉnh, thành lập là rất quan trọng. Nếu để xảy ra vấn đề về ranh giới sẽ rất phức tạp. Do vậy, đề nghị Chính phủ lưu tâm vấn đề này.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị đề án sắp xếp cần triển khai một cách thận trọng, chắc chắn, căn cứ các yếu tố lịch sử, tôn giáo, văn hóa của từng địa phương.

Phát biểu kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị,Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

Thu Phương- Trọng Quỳnh