ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

16/10/2019

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Những mục tiêu cụ thể Luật này gồm: nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, Luật này sửa đổi 36 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014. Đi vào cụ thể, đối với nhóm các quy định về ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng: Ngoài 04 ngành ưu đãi đầu tư đã được bổ sung vào Luật Đầu tư theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này bổ sung một số ngành, nghề/hoạt động đầu tư khác vào khoản 1 Điều 16, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Đối với nhóm các quy định về thẩm quyền, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, bổ sung Điều 28 để làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm; chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.

Về điều khoản thi hành và áp dụng chuyển tiếp, Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Ngoài ra, Luật này sửa đổi, bãi bỏ một số quy định của các luật khác có liên quan để phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật này, gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Điện ảnh và quy định áp dụng chuyển tiếp các nội dung mới của luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Thẩm tra Tờ trình, thay mặt Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế. Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư là khá lớn về số lượng và nhiều nội dung, Ủy ban Kinh tế tán thành sửa đổi Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất nội tại của Luật, đáp ứng các mục tiêu đã đề ra.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết làm rõ phạm vi áp dụng, tránh chồng chéo, xung đột giữa Luật Đầu tư và các luật có liên quan có quy định về hoạt động đầu tư; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm bao quát hết các nội dung thuộc nội hàm hoạt động đầu tư kinh doanh và xác định rõ luật điều chỉnh các nội dung đó ; mặt khác, loại trừ các nội dung không thuộc nội hàm hoạt động đầu tư kinh doanh và do vậy không cần thiết quy định tại Điều 4 của Luật Đầu tư .

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình thêm về nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở quy định các ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện như quy định tại khoản 2 Điều 54 dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng quy định như tại dự thảo Luật là quá rộng, chưa phù hợp với quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xác định trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đề nghị nghiên cứu thay thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bằng thủ tục thông báo của nhà đầu tư thực hiện đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp đầu tư ra nước ngoài trong những ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.

Ngoài ra, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm khắc phục những chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư với các luật khác có liên quan; nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định chi tiết hơn những điều khoản về điều kiện, nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định trong dự thảo Luật; phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát về từ ngữ, câu chữ, kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Chủ tịch Quốc hội cho ý kién

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, việc hạn chế quyền kinh doanh của công dân phải ghi vào trong Luật chứ Chính phủ không thể quy định. Do đó, trong Luật phải ghi cụ thể khi phát sinh những chất mới, động vật quý hiếm trong ngành nghề cấm kinh doanh thì Chính phủ trình Quốc hội để xin ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Chính phủ có thể sẽ bổ sung thêm những ngành nghề cấm vào trong danh mục, phụ lục.

Đối với các vấn đề về danh mục kinh doanh có điều kiện, vấn đề an ninh quốc gia, những ngành nghề kinh doanh khu vực biên giới, hải đảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần phải nghiên cứu, xem xét làm rõ thêm. Về nội dung ưu đãi đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt ra vấn đề, Hiến pháp quy định chỉ có Quốc hội có thẩm quyền bãi bỏ hoặc quy định ưu đãi đầu tư, vậy nếu Luật này giao cho Chính phủ thì có phù hợp với Hiến pháp không?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng so với mục tiêu ban đầu Chính phủ trình với thực tế sửa đổi bây giờ là mở ra rất nhiều điều khoản; báo cáo đánh giá tác động chưa thực sự sâu sắc, rõ ràng; vấn đề chồng chéo trong hệ thống pháp luật cũng chưa được giải quyết cụ thể. Do đó, đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, rà soát kỹ những vấn đề cần thiết sửa đổi để đảm bảo tính khả thi và giải quyết được các mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật. Đối với việc bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh thì cần phải được đánh giá tác động kỹ, xem xét những kiến nghị chi tiết của Ủy ban nhân dân một số tỉnh/ thành phố mà vấn đề kinh doanh đòi nợ thuê vẫn tồn tại.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi và phạm vi sửa đổi của dự Luật; tuy nhiên đề nghị Chính phủ có sự rà soát kỹ càng tất cả các vấn đề liên quan đến nội dung, danh mục, phụ lục để tránh tạo ra nhưng xung đột, mâu thuẫn mới trong hệ thống pháp luật; khẳng định sau khi sửa đổi những điều, khoản trong dự Luật sẽ khắc phục được những tồn tại hạn chế về đầu tư và doanh nghiệp đang còn vướng mắc. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật và Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10/2019./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh