• Phiên họp thứ 21
  • Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
  • Phiên họp thứ 20
  • Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định
  • Phiên họp thứ 19
  • Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh
  • Phiên họp thứ 18
  • Phiên họp thứ 17
  • Phiên họp thứ 16
  • Phiên họp thứ 15
  • Phiên họp thứ 14
  • Phiên họp thứ 13
  • Phiên họp thứ 12
  • Phiên họp thứ 11
  • Phiên họp thứ 10
  • Phiên họp thứ 9
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ nhất
  • Quốc hội khóa X
  • Bế mạc Phiên họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Ðánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

    21/04/2012

    Ngày 20-4, tiếp tục Phiên họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2012; kết quả thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010.

    Theo báo cáo của Chính phủ, trong quý I năm 2012, các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Do vậy, tình hình kinh tế trong quý I năm 2012 có những chuyển biến tích cực và đúng hướng. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định; tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, góp phần quan trọng ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn đang nổi lên những khó khăn thách thức: tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4%; lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế; sản xuất công nghiệp tăng chậm, lượng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn; tình trạng quá tải ở các bệnh viện, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn bức xúc; đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn; tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp.

    Ðóng góp ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ, phần lớn đại biểu phát biểu ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, CPI những tháng đầu năm 2012 tăng chậm  so với cùng kỳ nhiều năm là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ giảm phát, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm, nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, phục vụ sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, nhiều người lao động bị mất việc làm. Những nỗ lực trong điều hành xuất khẩu đã mang lại kết quả đáng mừng, xuất siêu trong quý I đạt 220 triệu USD. Tuy nhiên, đi cùng với xuất siêu tăng cao là sản xuất công nghiệp tăng chậm, lượng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn. Ðiều này cho thấy, chất lượng xuất siêu chưa bền vững, vì thực tế, nhiều ngành do sản xuất đình trệ đã giảm nhập khẩu nguyên liệu, phục vụ sản xuất.

    Các đại biểu đề nghị, Chính phủ không nên chỉ coi trọng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

    Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần cập nhật và phân tích rõ nguy cơ có thể gây giảm phát và suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế. Từ đó có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong điều hành, triển khai nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2012 theo Nghị quyết của QH.

    Sau khi thảo luận các báo cáo nói trên của Chính phủ, Phiên họp thứ bảy, Ủy ban TVQH đã bế mạc. Phát biểu ý kiến bế mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau 10 ngày làm việc khẩn trương, tích cực, phiên họp đã hoàn thành chương trình đề ra. Chủ tịch QH đề nghị, các cơ quan hữu quan cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban TVQH, khẩn trương hoàn thiện các văn bản liên quan, trình QH xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp tới.

     

    (http://nhandan.com.vn/)