CẦN ĐẶC BIỆT CHÚ TRỌNG ĐẾN ĐƠN THƯ, KHIẾU NẠI LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

13/05/2022

Cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 4/2022 của Quốc hội tại Phiên họp thứ 11, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo bổ sung nội dung liên quan đến việc giải quyết đơn thư, khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các địa phương trên cả nước.

 

Báo cáo công tác dân nguyện tháng 4/2022 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 4 tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục tăng so với tháng trước, trong đó có một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người, có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự, liên quan đến các vấn đề như nghỉ việc tập thể, công nhân đình công; giải quyết ô nhiễm môi trường; thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình.

Về việc xử lý đơn thư, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân giảm 7,81% so với tháng trước. Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đòi lại đất cũ; đề nghị thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng; đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; giải quyết vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất. Nội dung tố cáo chủ yếu liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai, tố cáo hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án; đề nghị giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và liên quan đến việc thi hành án dân sự.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư tiếp tục được các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc thực hiện thường xuyên và ngày càng đi vào nề nếp; việc nghiên cứu những đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quan tâm chú trọng, đảm bảo thực hiện đúng quy định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn chủ yếu dừng lại ở việc tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn công dân khiếu nại, tố cáo có căn cứ đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trưởng Ban Dân nguyện đánh giá công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường hơn; việc theo dõi, đôn đốc, rà soát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được chú trọng, quan tâm nhiều hơn và đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Tuy nhiên, công tác này cần được thực hiện thường xuyên liên tục hơn nữa, cần quyết liệt trong đôn đốc việc tiếp nhận đơn thư và thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo rất công phu, đầu tư nhiều công sức, đến nay công tác dân nguyện đã ngày càng nâng cao hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phát biểu ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong báo cáo đã nêu các vụ việc điển hình liên quan đến các lĩnh vực công thương, giáo dục đào tạo, xây dựng, tài chính, tuy nhiên chưa nêu rõ về các vấn đề liên quan đến đất đai, trong khi đây là vấn đề được người dân hết sức quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dẫn lại phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo đó, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phát triển đất nước. Nhấn mạnh đất đai là vấn đề căn cơ lâu dài, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị báo cáo bổ sung các nội dung liên quan đến các vấn đề, khiếu kiện, kiến nghị liên quan đến lĩnh vực này.

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, qua tiếp xúc cử tri và lắng nghe phản ánh của các đoàn ĐBQH, có nhiều khiếu nại, tố cáo trong nhân dân ở lĩnh vực đất đai, đặc biệt là trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Thậm chí, ở một số địa phương, có những dự án cơ bản đã xây dựng xong, hoàn thiện công trình, đưa vào sử dụng, nhưng người dân vẫn khiếu nại kéo dài và vượt cấp về vấn đề hỗ trợ tái định cư. Liên quan đến lĩnh vực này, một bộ phận cử tri, nhất là cán bộ của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, cấp địa phương bày tỏ mong muốn Quốc hội sớm điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến giá đất, các thủ tục đền bù, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị, công nghiệp hóa đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2022. Đồng thời, đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung trong báo cáo, rà soát chính xác số liệu, bổ sung nội dung liên quan đến các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai, đặc biệt về vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đảm bảo báo cáo có tính bao quát, toàn diện, đạt được chất lượng cao./.

Hồ Hương

Các bài viết khác