Toàn cảnh phiên họp
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành chủ trương về việc phân bổ vốn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm và có báo cáo giải trình rõ với Quốc hội về nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm báo cáo và phân bổ vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến cơ quan thẩm tra, rà soát lại phương án phân bổ; việc phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên trong quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải; đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ chi, đảm bảo cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên trong phạm vi tổng mức vốn, cơ cấu vốn ngân sách của từng chương trình đã được Quốc hội quyết nghị tại các Nghị quyết số 29/2021/QH15, Nghị quyết số 34/2021/QH15, Nghị quyết số 40/2021/QH15, Nghị quyết số 120/2020/QH14, Nghị quyết số 24/2021/QH15 và Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội.
Về việc phân bổ vốn ngân sách trung ương trung hạn giai đoạn 2021-2025, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa phân bổ 2.942,139 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương vì trong Tờ trình của Chính phủ chưa báo cáo, thuyết minh, làm rõ về sự cần thiết, tính chất của từng nhiệm vụ, sự phù hợp với các nguyên tắc, phạm vi và đối tượng, cũng như tiêu chí cụ thể theo quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa phân bổ 96 tỷ đồng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vì các nhiệm vụ này đã được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công của bộ. Về khoản 17.904 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương, đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ nguyên nhân chỉ tập trung bố trí cho dự án 1 và dự án 4 mà không dành nguồn để bố trí đối với dự án 2 và 3, 5, 6 và 7 của Chương trình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đảm bảo nguyên tắc không phân bổ cho các địa phương đã cân đối được ngân sách trong thời kỳ này (trừ 2 địa phương đã được của Quốc hội cho phép). Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các hạng mục về giáo dục, các vấn đề chuyển đổi số, vì có nhiều chương trình có thể đưa vào vốn đầu tư công hoặc đưa vào các chương trình khác.
Đối với số vốn chưa phân bổ 5.000 tỷ đồng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện đủ cơ sở pháp lý để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng nghị quyết của Quốc hội.
Về phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ số vốn Quốc hội đã quyết định cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 34.049 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bảo đảm theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đối với số vốn sự nghiệp 665 tỷ đồng, nếu các nhiệm vụ dự kiến phân bổ chưa đủ điều kiện thì chuyển sang phân bổ cho các nhiệm vụ đủ điều kiện đang thiếu vốn.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan rà soát các nhiệm vụ, dự án để xác định mức vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 phân bổ cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo và dự thảo nghị quyết để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản./.