ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐÁNH GIÁ CAO KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

14/05/2018

Sáng ngày 14/5, tại Phòng họp Tân Trào - Nhà Quốc hội, ngay sau khai mạc Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 14/5

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 dựa trên đánh giá tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2017. Đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả cả năm, Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tập trung vào những vấn đề cần đánh giá bổ sung hoặc có thay đổi so với nội dung đã báo cáo.

12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch được Quốc hội giao

Theo Báo cáo tóm tắt đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ, trong tổng số 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao, có 04 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 08 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tăng thêm 03 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội; gồm: tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân và giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP, đánh giá lại chỉ đạt 0,5% (số đã báo cáo là 1,5%). Nguyên nhân là do chậm triển khai ứng dụng và chuyển đổi các dây chuyền công nghệ sử dụng ít năng lượng ở các ngành sản xuất.

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Quốc hội không yêu cầu đặt mục tiêu và đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu này hằng năm và chuyển sang đặt mục tiêu và đánh giá chỉ tiêu theo giai đoạn 5 năm. So với ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội, có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, 04 chỉ tiêu không đổi so với số đã báo cáo Quốc hội. Riêng 02 chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP đạt thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp

Đánh giá chung về năm 2017, Báo cáo của Chính phủ cho rằng: đây là một năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đến nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp; đã củng cố được niềm tin của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp; khẳng định được vị thế mới của nước ta trên trường quốc tế; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tăng trưởng kinh tế đồng đều ở tất cả các lĩnh vực và đạt mức cao nhất từ năm 2011 đến nay; môi trường đầu tư kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể; công tác phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực; công tác chỉ đạo phòng chống và khắc phục thiên tai hiệu quả; các mặt văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại, an ninh, quốc phòng... đều có chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan. Nếu không tính chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP do chuyển sang đánh giá theo giai đoạn 5 năm thì tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội giao vẫn đạt và vượt mục tiêu Kế hoạch đề ra.

2017 là một năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế

Nổi bật nhất trong số các chỉ tiêu vượt mục tiêu Quốc hội giao là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,81%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay nhờ có sự phục hồi và tăng trưởng đồng đều ở tất cả các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8% với động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 14,4%), đóng góp phần lớn vào tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự phục hồi đáng kể, tăng trưởng toàn ngành đạt 2,9%, cao hơn nhiều so với năm 2016 (năm 2016 chỉ tăng 1,36%), trong đó ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng cao (5,54%). Khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh, đạt 7,44%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây với sự phát triển mạnh của dịch vụ bán buôn, bán lẻ, dịch vụ du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 13 triệu lượt người, tăng xấp xỉ 30% so với năm 2016.

Các thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, đáng chú ý là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,53%, vượt mục tiêu Quốc hội đã đề ra (dưới 4%). Mặt bằng lãi suất ổn định, chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được đảm bảo, tăng trưởng tín dụng đạt 18,24%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, thị trường chứng khoán khởi sắc. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước vượt 6,3% so với dự toán, tăng 14,4% so với với năm 2016, bội chi ngân sách nhà nước bằng 3,48%, thấp hơn mức 3,5% được Quốc hội thông qua. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,3% GDP, tuy thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội (33,42%) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 31,5% được Quốc hội thông qua, chủ yếu là do sự đóng góp của đầu tư khu vực ngoài nhà nước, trong đó đáng chú ý là giải ngân vốn FDI đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục 127 nghìn doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng.

Mặt khác, môi trường đầu tư, kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc, được quốc tế đánh giá cao. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt kết quả ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 214 tỷ USD, tăng 21,2%, vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (6-7%), cán cân thương mại chuyển từ mục tiêu nhập siêu dưới 3,5% sang xuất siêu 2,9 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Phiên họp

Tuy nhiên, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2017, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện. Tăng trưởng công nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, vốn đầu tư và lao động, trong khi năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm. Công tác thị trường và dự báo cung cầu nông sản còn yếu. Buôn lậu, gian lận thương mại chưa được xử lý dứt điểm. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng xử lý, khắc phục và cải thiện còn chậm. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ và sự cố môi trường. Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội chưa nghiêm. Còn nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2017

Thảo luận tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, năm 2017 là năm đạt nhiều kết quả tích cực, hầu hết các chỉ tiêu (12/13) đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,81%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, cả 03 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có sự tăng trưởng. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại diễn ra sôi động. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm... có những chuyển biến tốt hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp

Nhiều ý kiến nhận định, các kết quả này đạt được là nhờ sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng: với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt, qua đó khẳng định đúng và phù hợp với ước tính đề ra. Tuy có 1 chỉ tiêu chưa đạt về giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP nhưng đây là vấn đề lớn, cần được nghiên cứu thêm vì liên quan đến trình độ phát triển khoa học công nghệ của nước nhà. Do đó, việc chỉ tiêu này chưa đạt "là có hoàn cảnh của nó".

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Phiên họp, một số ý kiến đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ thêm một số nội dung để hoàn thiện hơn, cụ thể như phân tích rõ vấn đề chất lượng y tế giữa các vùng miền, tình trạng thuốc giả; kết quả thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; việc phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh; kết quả xử lý các vi phạm pháp luật như phá rừng, khai thác khoáng sản, xả thải trái phép gây ô nhiễm; thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2017 và biện pháp ổn định đời sống nhân dân, hạn chế tác động xấu đến kinh tế - xã hội địa phương.../.

Quang Minh - Trọng Quỳnh