ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016

14/05/2018

Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII đã quyết định nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016; sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 330/NQ-UBTVQH ngày 04/01/2017 bổ sung vốn vay ngoài nước, tổng hợp lại, nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2016. Cụ thể: Tổng số thu: 1.014.500 tỷ đồng; Tổng số chi: 1.273.433 tỷ đồng; Bội chi: (-) 254.233 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP. Các khoản quản lý thu, chi qua NSNN: 91.245 tỷ đồng; các khoản vay về cho vay lại: 43.010 tỷ đồng.

Theo Tờ trình, với dự toán thu NSNN 1.014.500 tỷ đồng, đã quyết toán 1.107.381 tỷ đồng; tăng 9,2% (92.881 tỷ đồng) so với dự toán chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất và thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại từ các doanh nghiệp nhà nước; trong đó tăng chủ yếu của ngân sách địa phương là 89.515 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình

Ngoài  ra, tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 về nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016, Quốc hội quyết định dự toán chi NSNN 1.273.433 tỷ đồng, đã quyết toán 1.295.061 tỷ đồng, tăng 1,7% (21.628 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (41.501 tỷ đồng) từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất và nguồn năm trước chuyển sang theo quy định của Luật NSNN. Quyết toán chi ngân sách trung ương là 592.674 tỷ đồng, bằng 98,8% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương là 702.387 tỷ đồng, tăng 4,3% (28.827 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do nguồn năm trước chuyển sang, nguồn tăng thu  ngân sách địa phương theo quy định và nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương theo quy định của Luật NSNN, Nghị quyết của Quốc hội. Mức bội chi NSNN được quyết định là 254.233 tỷ đồng, so với GDP dự toán 5.130.000 tỷ đồng, bằng 4,95% GDP, so với GDP thực hiện 4.502.733 tỷ đồng, bằng 5,65%. Quyết toán số bội chi là 248.728 tỷ đồng, giảm 5.505 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định (vốn trong nước giảm 835 tỷ đồng; vốn ngoài nước giảm 4.670 tỷ đồng theo tinh thần tiết kiệm của Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ tháng 9/2016); bằng 5,52% GDP thực hiện.

Về nguồn bù đắp, vay trong nước là 197.165 tỷ đồng; vay ngoài nước là 51.563 tỷ đồng, các khoản vay đa dạng về kỳ hạn nợ, nâng kỳ hạn trái phiếu Chính phủ vay trong nước, nhờ đó kỳ hạn vay bình quân năm 2016 đã được kéo dài, đạt 8,71 năm (năm 2015 là 6,98 năm, năm 2014 là 4,84 năm), đáp ứng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra

Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 52,8%, nợ công bằng 63,8%, trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2016 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày cũng đã chỉ ra một số vấn đề còn hạn chế, đó là, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, chủ yếu tăng thu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020 ; việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng; hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho 7 địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận định, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2016; các khoản thu quan trọng cơ bản đạt dự toán. Cơ quan thuế đã nâng cao năng lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hạn chế tình trạng trốn lậu thuế; tích cực triển khai nhiều giải pháp thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế.... góp phần chấn chỉnh công tác thu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu 

Ủy ban Tài chính- Ngân sách thống cho rằng, số liệu quyết toán NSNN năm 2016 đã được tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách, vì vậy Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách thống nhất với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 như sau với: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước); Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng; Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm 81.852 tỷ đồng kết dư ngân sách địa phương).

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban thường vụ cho rằng, về cơ bản, các số liệu trong Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã được thẩm định đúng quy trình và đủ điều kiện trình Quốc hội phê duyệt. Tuy nhiên qua nghiên cứu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá, việc chấp hành kỷ luật thu chưa được tốt; kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tình trạng chi sai chế độ còn lớn. Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Ủy ban Tài chính- Ngân sách chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính và Kiểm toán nhà nước tiếp tục nghiên cứu, thống nhất số liệu, hoàn thiện báo cáo trước khi trình Quốc hội xem xét./.

Thu Phương - Trọng Quỳnh