Trong những năm qua, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật... Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn... Do đó việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đọc tờ trình về Dự án Luật Kiến trúc
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc theo Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc. Do vậy, việc ban hành Luật Kiến trúc là tăng cường công tác quản lý nhà nước và định hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Kiến trúc
Tại phiên họp, đa số các đại biểu đều thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật là quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc. Tuy nhiên, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật còn hẹp, chỉ tập trung cơ bản vào ngành nghề Kiến trúc, trong khi đó còn nhiều vấn đề liên quan đến kiến trúc chưa được đề cập đến, nhất là bản sắc kiến trúc dân tộc, đồng thời đề nghị Luật ra đời phải xây dựng được bản sắc dân tộc, cần có những chế tài để kiến trúc sư và các nhà đầu tư khi xây dựng phải giữ gìn được bản sắc dân tộc Việt Nam.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng: Các công trình kiến trúc của Việt Nam hiện nay “ Bản sắc không rõ, sáng tạo không mạnh” . Hiện quá trình phát triển đô thị, phát triển tại các thành phố rất nhanh nên vấn đề đặt ra với kiến trúc rất quan trọng. Nhưng khái niệm của luật đưa ra về kiến trúc vẫn còn chung chung. Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị luật cần phải đặt ra những nguyên tắc cụ thể hơn giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc dân tộc, giữa tính phổ biến và đặc thù đề phù hợp với Việt Nam. Cùng với đó, luật cần phải quy định vai trò của Bộ Văn hoá Thể Thao và Du lịch, các nhà văn hoá , những vấn đề liên quan về sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu vào trong luật. Luật cũng cần định nghĩa cụ thể về Kiến trúc sư và những người làm việc trong ngành kiến trúc.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị cơ quan soạn thảo và Uỷ ban chủ trì thẩm tra cần nghiên cứu tiếp thu tối đa báo cáo thẩm định của cơ quan thẩm định nhà nước của Bộ Tư pháp, vì đây là báo cáo thẩm định chỉ ra rất rõ tính thống nhất pháp luật. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng khái niệm kiến trúc còn trừu tượng và rộng, tuy nhiên trong khái niệm kiến trúc lại thiếu đi mảng “bảo trì, duy tu” nên đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm vào trong dự thảo Luât. Theo đại biểu, tại Việt Nam vướng mắc nhất hiện nay là kiến trúc đô thị, do vậy Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề nghị cần có quy định cụ thể và rõ ràng hơn về kiến trúc tái thiết đô thị.
Cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng phạm vi điều chỉnh vẫn chưa đề cập rõ ràng về chủ thể. Luật cần thể hiện rõ ràng hơn về chủ thể là Kiến trúc sư và cần đề cập thêm về vai trò của Kiến trúc sư trưởng. Tại điều 4, Nguyên tắc hoạt động Kiến trúc, theo Phó Chủ tịch Quốc hội thì quy định này vẫn chưa thể hiện được hết tinh thần đã trình bày trong tờ trình của Chính phủ và đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Lưu ý về tính đồng bộ trong hệ thống Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại để tránh sự xung đột giữa dự thảo Luật Kiến trúc và các luật khác. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, nguyên tắc hoạt động Kiến trúc tại điều 4 còn sơ sài, đơn giản, chưa bao quát được nhu cầu nền tảng của Kiến trúc. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ hơn về nội dung Quản lý Kiến trúc vì đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật. Những yêu cầu chung về Quản lý Kiến trúc, Kiến trúc đô thị, Kiến trúc nông thôn, Kiến trúc tại khu phố cổ vẫn chưa chặt chẽ. Cần mở rộng phạm vi quản lý về Kiến trúc không gian và Kiến trúc công trình để quản lý những công trình lai tạp.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp thu hoàn thiện báo cáo với tinh thần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật. Ban soạn thảo phối hợp với Uỷ ban thẩm tra hoàn chỉnh dự thảo Luật và trình lên Quốc hội cho ý kiến lần đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội tới./.