MỘT SỐ HÌNH ẢNH THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XIV

11/09/2018

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội, cho rằng dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được sắp xếp tương đối phù hợp.

Chiều ngày 11/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Trình bày báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 22,5 ngày. Theo đó, xây dựng luật: 12 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 9 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/10/2018 và dự kiến bế mạc vào 20/11/2018.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội, cho rằng dự kiến chương trình kỳ họp được sắp xếp tương đối phù hợp....

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận:

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, điều hành phiên họp.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp.

Trình bày báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 22,5 ngày.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện nội dung kỳ họp, gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định; chỉ đạo tiếp thu một số cải tiến về cách thức tiến hành kỳ họp như: giảm thời gian trình bày văn bản tại hội trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị nên sắp xếp thảo luận nội dung về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vào nhóm vấn đề kinh tế xã hội, sau đó sẽ thảo luận về nhóm vấn đề tài chính – ngân sách và đầu tư công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cân nhắc khi đề xuất rút ngắn thời gian trình bày văn bản, tiến tới không trình bày; giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường cũng như truyền hình trực tiếp các phiên họp tổ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sắp xếp nội dung về thảo luận tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thảo luận tại hội trường truyền hình trực tiếp; đồng thời làm việc với các cơ quan hữu quan trong việc đóng dấu mật vào văn bản, phải có danh mục nội dung mật và không thể hiện những nội dung mật trong tài liệu công khai để không làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng kí phát biểu của đại biểu Quốc hội, khắc phục các sự cố kỹ thuật không đáng có.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị đưa các kiến nghị, chất vấn của các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu chưa có cơ hội được phát biểu trên hội trường lên Cổng thông tin điện tử Quốc hội để cử tri theo dõi. 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề xuất bổ sung việc cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào phiên chương trình phiên họp thứ 27 để kịp trình ra Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình với ý kiến đưa dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào phiên chương trình phiên họp thứ 27 để kịp trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 để giảm tải cho các kỳ họp sau.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường Phan Xuân Dũng đồng tình với đề xuất không nên đề xuất giảm thời gian phát biểu của ĐBQH. Điều này sẽ giảm chất lượng ý kiến của các ĐBQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề xuất kéo dài thời gian đủ để trình bày báo cáo về vấn đề kinh tế, xã hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp để xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Trọng Quỳnh