XEM XÉT PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH CPTPP PHẢI THEO ĐÚNG QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC

11/09/2018

Trong phiên làm việc chiều 11/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị bổ sung nội dung phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào dự trù chương trình của kỳ họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngày 10/9, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận được hồ sơ của Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước về phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và có khả năng Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, theo quy định, hiệu lực của Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ ngày ít nhất 6 nước ký kết hoặc có trên 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo với cơ quan lưu trữ ở New Zealand bằng văn bản, lúc đó hiệp định có hiệu lực. Đối với các nước chưa phê chuẩn chưa có hiệu lực, khi nào phê chuẩn xong nước đó tham gia coi như có hiệu lực.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có Mexico công bố đầu tiên, sau đó đến Nhật Bản, Singapore. Các nước đang chuẩn bị phê chuẩn trong tháng 8, 9, 10 có Úc, New Zealand và Canada; Malaysia dự kiến tháng 2 năm tới; với Peru, Brunei họ chưa nói ngày nào, họ dự kiến vấn đề quan trọng của họ có ban hành được luật không.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, cách làm hiện nay của Chính phủ muốn thông qua hiệp định này. Tuy nhiên nếu không nội luật hóa mà thông qua hiệp định thì không có ý nghĩa gì. Các nước thông qua hiệp định đơn giản hơn Việt Nam một chút là luật của họ cơ bản đã phù hợp với các cam kết nhưng đối với Việt Nam việc rà soát văn bản khối lượng vô cùng lớn. Song nếu càng kéo dài thì không biết chừng nào mới nộp lưu chiểu để thi hành được.

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung phê chuẩn CPTPP vào dự phòng chương trình và xin chủ trương thông qua cả gói để đưa vào nộp lưu trữ tại New Zealand và sau đó thực thi ngay. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, nếu ký điều ước quốc tế mà không nội luật hóa thì không thể thi hành được. Việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP không chỉ đúng với tinh thần kết luận của Bộ Chính trị, Đảng mà cũng cần phải triển khai được trong cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, để Quốc hội phê chuẩn thì Chính phủ phải chuẩn bị hồ sơ báo cáo trình qua Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét, thẩm tra nhưng tới giờ vẫn chưa thấy tài liệu thì không thể đưa vào chương trình.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, việc phê chuẩn thông qua CPTPP chắc chắn Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến trước về thời điểm, trên cơ sở đó các cơ quan liên quan sẽ tổ chức thực hiện. Khi tiến hành phê chuẩn rồi thì những cam kết của Việt Nam và những vấn đề được phép bảo lưu thì sẽ có lộ trình thực hiện không nhất định trình phê chuẩn là kèm theo nội luật hóa. Bởi nếu trình kèm ngay với các nội dung nội luật hóa khi trình phê chuẩn sẽ không kịp chuẩn bị.

Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh, tất cả phải giải quyết theo đúng quy định về thời gian, về hồ sơ, không thể muốn đưa nội dùng gì vào chương trình là đưa. Mặc dù các nội dung nội luật hóa không trình cùng lúc nhưng vẫn bảo đảm trách nhiệm thực hiện các nội dung mà Việt Nam cam kết. Việt Nam không đi đầu nhưng nhất định không về cuối.

* Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được chính thức ký ngày 4/2/2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018. Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu. Tháng 11/2017, 11 nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP.

Nội dung chính của Hiệp định gồm các văn kiện:

(i) Lời văn của Hiệp định CPTPP gồm Lời mở đầu và 7 điều khoản (Điều 1- Tích hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Điều 2-Tạm đình chỉ thực hiện một số điều khoản, Điều 3-Hiệu lực, Điều 4-Rút khỏi Hiệp định, Điều 5-Gia nhập, Điều 6-Rà soát Hiệp định CPTPP và Điều 7-Các lời văn xác thực);

(ii) Phụ lục Danh mục một số điều khoản tạm đình chỉ thực hiện theo Hiệp định CPTPP gồm 20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn áp dụng theo Hiệp định này (trong đó có 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng). Ngoài ra, Phụ lục này còn điều chỉnh lại nội dung dẫn chiếu liên quan tới thời điểm có hiệu lực cho phù hợp hơn với Hiệp định CPTPP đối với bảo lưu về các biện pháp không tương thích trong dịch vụ và đầu tư của Brunei và bảo lưu về doanh nghiệp nhà nước của Malaysia.

Bảo Yến