Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tóm tắt báo cáo của Chính phủ
Trình bày tóm tắt báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 ngày 02/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và Nghị quyết số 67/2013/QH13, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc và ban hành văn bản quy định chi tiết; xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, phân công Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã quan tâm, tập trung các nguồn lực để triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Tính từ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV đến nay, Quốc hội đã thông qua 13 văn bản. Đây là những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền dân sự - chính trị, quyền kinh tế - xã hội của con người và thể chế quản lý kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước, do vậy được Chính phủ quan tâm và sớm trình Quốc hội ban hành. Ngoài ra, còn 23 dự án luật nằm trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/2014/NQ-UBTVQH14 về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 chưa được ban hành Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tích cực soạn thảo, hoàn thiện các dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Về xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, tính từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 204 văn bản (94 nghị định, 07 quyết định, 97 thông tư, 06 thông tư liên tịch) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh. theo dõi cho thấy, mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ đã giảm dần so với các năm trước, cụ thể: giảm 45 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (57 văn bản) và giảm 23 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (35 văn bản) tuy nhiên tăng 01 văn bản so với năm 2017 (11 văn bản). Số văn bản chưa ban hành là 12 văn bản và đa số là các văn bản có nội dung khó, phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2018
Trước một số tồn tại hạn chế như tình trạng một số dự án luật chưa được ban hành, chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; một số văn bản quy định chi tiết có chất lượng hạn chế; tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số nguyên nhân như việc lập danh mục các dự án luật, pháp lệnh cần được ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 chủ yếu dựa trên các căn cứ là các quy định của Hiến pháp năm 2013 mà chưa được đánh giá về thực trạng quan hệ xã hội, điều kiện, nguồn lực của xã hội, do vậy, việc xác định sự cần thiết và tiến độ ban hành các luật, pháp lệnh trong danh mục chưa bám sát với điều kiện thực tiễn. Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết chưa thực sự chặt chẽ. Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng văn bản ở một số nơi còn chưa nghiêm. Việc đầu tư thời gian và nguồn lực, kinh phí cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, tính chất phức tạp của công việc này…
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức thực hiện việc tổng kết 5 năm triển khai thi hành Nghị quyết số 718/2014/NQ-UBTVQH13 (2014-2019), trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 giai đoạn 2020-2025 với những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới. Bổ sung nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng, triển khai thi hành luật, pháp lệnh, hàng năm bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hình thức báo cáo trình Quốc hội theo Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và theo đề nghị của Ủy ban Pháp luật, đây là năm đầu tiên Chính phủ thực hiện báo cáo Quốc hội về hai nội dung trong cùng một Báo cáo, gồm: báo cáo kết quả triển khai thi hành Hiến pháp theo yêu cầu của Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 và báo cáo về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo yêu cầu của Nghị quyết số 67/2013/QH13.
Thường trực Uỷ ban Pháp luật đánh giá cao việc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện báo cáo đúng yêu cầu. Nội dung của Báo cáo cơ bản đã phản ánh tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kết quả công tác ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết từ thời điểm 01/8/2017 đến 15/8/2018; đánh giá những mặt làm được, chỉ ra những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp và đưa ra nhiều kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của công tác này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ bối cảnh thực hiện hai Nghị quyết này trong năm 2018, nhất là yêu cầu triển khai nhiều nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng pháp luật và cải cách bộ máy nhà nước. Do đó, đề nghị bổ sung làm rõ hơn bối cảnh tình hình; đồng thời, cần có đánh giá khái quát về hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước cho bao quát, toàn diện.
Bên cạnh đó, Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, báo cáo chưa đánh giá sâu về hiệu lực, hiệu quả thực tế của những văn bản này; chưa đánh giá việc chậm ban hành văn bản ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, xã hội cũng như quản lý nhà nước. Do đó, đề nghị cần bổ sung hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội; đặc biệt, cần làm rõ hơn kết quả thực hiện năm 2018 so với năm 2017.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; đánh giá cao Chính phủ đã có những cố gắng trong triển khai thi hành hiến pháp, pháp luật đạt được những kết quả tích cực. Tán thành với đề nghị của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xem lại tên gọi và phạm vi của báo cáo, cần có đánh giá tác động toàn diện hơn của việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong đời sống thực tiễn, nhìn nhận đầy đủ tồn tại hạn chế để đưa ra những giải pháp phù hợp.
Ngoài ra, một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay, việc sửa đổi luật thường xuyên làm giảm tính ổn định của luật pháp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi áp dụng pháp luật trên thực tế; tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, một luật cần quá nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết một cách không cần thiết; công tác thông tin tuyên truyền trước trong và sau khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa thực hiện tốt…Đây là những vấn đề cần tiếp tục được làm rõ để có hướng giải quyết trong thời gian tới.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học chia sẻ, qua tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri quan tâm đến việc Quốc hội ban hành nhiều luật những việc tổ chức triển khai thi hành luật thế nào, hiệu lực, hiệu quả của luật đi vào cuộc sống ra sao thì cử tri rất băn khoăn. Vì vậy, việc Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thời gian tới là trình Quốc hội xem xét tình hình thi hành hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2018 là rất thiết thực và bổ ích; đáp ứng được mong mỏi của người dân, câu trả lời của Quốc hội về tính hiệu lực, hiệu quả của luật pháp khi đi vào cuộc sống.